Nhìn lại sáu tháng thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19
Các bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện La Paz (Madrid, Tây Ban Nha) tưởng niệm một bác sĩ của bệnh viện này qua đời vì Covid-19.
Ngày 1-7 đánh dấu tháng thứ bảy thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong sáu tháng qua, dịch bệnh diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, tâm dịch liên tục thay đổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang trong một giai đoạn mới và nguy hiểm. Tuy nhiên, lúc này lại là thời điểm thích hợp để suy nghĩ về những tiến bộ và bài học mà chúng ta đã có được trong thời gian qua.
Năm 2019
Ngày 31-12: Trung Quốc thông báo với WHO về việc xuất hiện một loại virus mới gây bệnh viêm phổi cấp
Năm 2020
Ngày 11-1: Trung Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên do virus này tại TP Vũ Hán
Ngày 13-1: Thái Lan là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc công bố có người nhiễm đầu tiên
Ngày 15-1: Nhật Bản xác nhận ca nhiễm đầu tiên
Ngày 20-1: Hàn Quốc xác nhận ca mắc đầu tiên
Ngày 22-1: WHO triệu tập cuộc họp khẩn với giới chức y tế trên toàn thế giới
Ngày 23-1: Trung Quốc phong tỏa TP Vũ Hán
Ngày 24-1: Ca bệnh đầu tiên của châu Âu được phát hiện tại Pháp
Ngày 30-1: WHO công bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế
Ngày 2-2: Philippines ghi nhận ca tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc
Ngày 5-2: Khoảng 3.700 hành khách được cách ly trên du thuyền Diamond Princess neo đậu ngoài khơi Nhật Bản. 14 người trong số hơn 700 hành khách mắc Covid-19 của du thuyền này đã tử vong do Covid-19
Ngày 15-2: Ca tử vong đầu tiên tại châu Âu là một du khách cao tuổi người Trung Quốc nhập viện tại Pháp
Ngày 22-2: Italy phong tỏa Lombardy và Veneto, hai khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh trong nước
Ngày 25-2: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo người dân nên bắt đầu chuẩn bị ứng phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2
Ngày 26-2: Lần đầu tiên số ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc vượt con số này tại Trung Quốc. Italy và Iran trở thành tâm dịch mới
Ngày 6-3: Hơn 100 nghìn ca bệnh, 3.400 người tử vong
Ngày 9-3: Giá dầu thô giảm 25%
Ngày 11-3: WHO tuyên bố sự bùng phát của Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu
Ngày 13-3: Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Ngày 14-3: Pháp, Tây Ban Nha, Italy ban bố lệnh phong tỏa
Ngày 17-3: Brazil ghi nhận ca tử vong đầu tiên. EU đóng cửa biên giới với người ngoài khối trong 30 ngày
Ngày 19-3: Số ca tử vong của Italy vượt Trung Quốc. Nga ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Virus SARS-CoV-2 lan tới hơn 170 quốc gia
Ngày 24-3: Hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020
Ngày 25-3: Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này trị giá 2.000 tỷ USD
Ngày 27-3: Nam Phi phong tỏa toàn quốc
Ngày 2-4: Thế giới có hơn 1 triệu ca bệnh, số ca tử vong tại Mỹ và các nước Tây Âu tăng vọt
Ngày 8-4: Trung Quốc dỡ lệnh phong tỏa Vũ Hán
Ngày 10-4: 1,6 triệu ca bệnh, 100 nghìn ca tử vong
Ngày 13-4: Một số quốc gia châu Âu bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa
Ngày 14-4: Mỹ tạm ngừng tài trợ WHO do cách tổ chức này xử lý đại dịch Covid-19
Ngày 25-4: Gần 3 triệu ca bệnh, hơn 200 nghìn ca tử vong
Ngày 13-5: WHO cảnh báo SARS-CoV-2 có thể trở thành virus thường gặp trong cộng đồng tương tự HIV và không bao giờ biến mất
Ngày 15-5: Gần 4,5 triệu ca bệnh, hơn 300 nghìn ca tử vong
Ngày 25-5: Số ca tử vong trong ngày của Brazil vượt con số này của Mỹ
Ngày 7-6: Gần 7 triệu ca bệnh, hơn 400 nghìn ca tử vong
Ngày 28-6: Hơn 10 triệu ca bệnh, 500 nghìn ca tử vong.
Giải mã virus SARS-CoV-2
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, các bệnh viện và đội ngũ bác sĩ trên thế giới phải chạy đua với thời gian để cứu chữa người bệnh Covid-19. Trong quá trình đó, họ đã tích lũy được không ít hiểu biết và kinh nghiệm về điều trị Covid-19. Những người trên tuyến đầu chống dịch nhận thấy, ngoài hệ hô hấp và phổi, virus SARS-CoV-2 có thể tấn công nhiều bộ phận khác trong cơ thể người như tim, gan, thận và não. Nguy cơ đông máu ở người bệnh Covid-19 tăng và các chất chống đông máu có thể phát huy tác dụng trong trường hợp này. Phương pháp “Proning”, đặt người bệnh nằm sấp để giảm sức ép lên phổi, có thể giúp người bệnh không cần đến máy thở. Đến nay, phương pháp điều trị có triển vọng nhất dường như là sử dụng thuốc kháng virus remdesivir, thuốc chống viêm dexamethasone và huyết tương của người bệnh đã có kháng thể chống virus SARS-CoV-2.
WHO và các chuyên gia y tế đều khẳng định, triển khai xét nghiệm trên quy mô rộng hơn và rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm góp phần làm giảm áp lực đối với các bệnh viện. Chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia y tế trên thế giới giữ vai trò cốt yếu. Trong khi đó, ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan là việc rất quan trọng. Các bác sĩ mong đợi người dân làm tốt nhiệm vụ của mình, đó là giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang và bảo đảm giãn cách xã hội.
WHO thừa nhận rằng, vẫn còn nhiều điều thế giới chưa biết về Covid-19. WHO cùng các nhà khoa học và chuyên gia y tế đã và đang làm việc không ngừng nghỉ để giải mã những ẩn số chung quanh bệnh mới này, đặc biệt là: Phương pháp điều trị Covid-19 là gì? Phương pháp đó phù hợp với đối tượng bệnh nhân nào? Người bệnh Covid-19 cần bao lâu để phục hồi? Tác động lâu dài của Covid-19 đối với người bệnh là gì (nếu có)?… Khi tìm ra đáp án cho những câu hỏi lớn này, thế giới sẽ có thêm nhiều cơ hội để sớm đánh bại chủng virus đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu và cướp đi tính mạng của hàng trăm nghìn người.
Ý kiến ()