Nhìn lại ngành giáo dục năm 2021: Chuyển đổi số - cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục
Ngành giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, tạo ra những thay đổi quan trọng trong hoạt động dạy học, thi cử và tư duy quản lý giáo dục.
Thay đổi phương pháp dạy và học
Chuyển đổi số đã giúp gần 24 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường do dịch Covid-19 nhưng không ngừng học. Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy-học truyền thống. Sau những khó khăn ban đầu, đến nay giáo viên và học sinh cơ bản thành thạo các thao tác để có thể tạm “yên ổn” trong các phòng học ảo. Những trải nghiệm trên môi trường số giúp giáo viên và học sinh tiếp cận kiến thức một cách trực quan, sinh động, tương tác thú vị… Qua đó, năng lực số được hình thành, phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả. Đến nay, việc dạy và học online trở thành hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò. Đồng thời, gần như toàn bộ sách giáo khoa đã được số hóa để đưa vào hệ thống; đã có 42.000 bài giảng e-learning, 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo… được cập nhật vào kho học liệu mở.
Bên cạnh những thay đổi tích cực, việc học trực tuyến kéo dài cũng gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần cho cả học sinh và giáo viên. Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), ngồi học trực tuyến quá lâu sẽ ảnh hưởng đến mắt, cột sống, xương khớp; có thể tổn thương về mặt tinh thần khi các em thiếu những giao tiếp trong môi trường thực ở giai đoạn phát triển tâm sinh lý.
Cách dạy và học tới đây nên là sự kết hợp giữa học trên lớp với sử dụng công nghệ số và mạng. |
Giáo dục online cũng không dễ thực hiện với tất cả nhóm học sinh, mọi cấp học và đồng bộ trên toàn hệ thống. Học trực tuyến cũng chỉ hiệu quả khi người học có ý thức, có đường truyền mạng tốt và không gian học yên tĩnh. Thật khó để học sinh tập trung, hứng thú học khi liên tục bị “văng” ra khỏi lớp, không nghe rõ bài giảng vì đường mạng chập chờn… trong khi xung quanh luôn có những thứ hấp dẫn hơn như games online, mạng xã hội. Bởi vậy, chất lượng học tập cũng là vấn đề còn nhiều hoài nghi.
Thực tế cho thấy việc dạy học online cũng bộc lộ những thiếu hụt về cơ sở vật chất, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến ngày 12-9-2021, trong số khoảng 7,35 triệu học sinh đang học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố có tới 1,5 triệu em không có thiết bị học trực tuyến. Với 2.000 điểm lõm sóng internet, nhiều địa phương thậm chí không dám đăng ký nhận hỗ trợ máy tính bởi có nhận về cũng không thể triển khai học trực tuyến.
Thi trực tuyến vẫn “rối như canh hẹ”
Nếu như học trực tuyến đã dần đi vào nền nếp thì việc kiểm tra, đánh giá bằng hình thức này vẫn “rối như canh hẹ”. Đây là hình thức kiểm tra mới mẻ, đặt ra thách thức cả về kỹ thuật đường truyền, phương thức tổ chức lẫn điều kiện bảo đảm kết quả kiểm tra khách quan, công bằng.
Thời điểm tháng 5-2021, khi học sinh chuẩn bị thi học kỳ 2, nhiều địa phương đã phải cho học sinh nghỉ hè sớm và kiểm tra học kỳ sau vì trường không kịp lên kế hoạch và chuẩn bị nội dung, hình thức kiểm tra trực tuyến một cách khách quan và chính xác. Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và dạy học trực tuyến được ban hành, trong đó có nội dung kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến giúp các trường chủ động áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến phù hợp. Nhiều giải pháp kỹ thuật được đưa ra như: Học sinh được quy định ngồi trước máy tính, quay camera góc rộng, suốt quá trình thi phải bật hệ thống loa, bảo đảm các em làm bài thi một mình. Bài thi trắc nghiệm do phần mềm chấm; bài thi tự luận dùng nhiều đề, học sinh làm ra giấy, hết giờ chụp ảnh nộp bài. Tuy nhiên, bên cạnh những trục trặc kỹ thuật khách quan khiến học sinh không thể nhận đề thi, nộp bài đúng thời gian, vẫn còn tình trạng các em cố ý “lỗi đường truyền” để gian lận, trong đó không ít trường hợp có sự tiếp tay của người lớn… Ở những vùng khó khăn, hoạt động thi trực tuyến là bất khả thi. Đây thực sự là một thách thức với ngành giáo dục.
Việc thay đổi hình thức thi cũng đòi hỏi các thầy cô giáo phải thay đổi tư duy ra đề. Các câu hỏi học thuộc, có thể tra cứu được thay thế bằng những đề bài mang tính vận dụng kiến thức, các dự án trải nghiệm… khiến người học buộc phải học thực chất hơn. Hướng đến phương án dài hạn, có lẽ các trường đều cần một nền tảng công nghệ đồng bộ, hoạt động ổn định; một số nền tảng chuyên dụng cho khảo thí có các chức năng được phân cấp cho từng đối tượng và mục đích sử dụng khác nhau.
Thay đổi tư duy, hướng tới phát triển giáo dục bền vững
Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục không khó về công nghệ mà vấn đề ở nhận thức, thay đổi thói quen cùng với cơ chế chính sách, hành lang pháp lý. Chuyển đổi số đòi hỏi quyết tâm của người đứng đầu và sự đồng bộ về nhận thức của những người trong ngành giáo dục. Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Sơn Hải cho biết, Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng dự thảo Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021-2025”. Giai đoạn này sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số, phát triển nhân lực số. Đồng thời, phát triển kho học liệu số, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp, nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học bảo đảm quản lý và làm việc hiệu quả trên môi trường số…
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục chỉ thực sự khởi sắc khi thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số. Đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học mà phạm vi rộng lớn hơn, ở đó tất cả hoạt động, quan hệ, thao tác sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành tốt hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập chất lượng hơn.
Chuyển đổi số trong giáo dục là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được. Song nếu chúng ta tận dụng thời cơ, bắt đầu ngay và làm thường xuyên, đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi phương thức của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục.
Ý kiến ()