Năm 2020, thế giới đã dành trọn 365 ngày để ứng phó với SARS-CoV-2, chủng virus corona mới gây ra đại dịch Covid-19. SARS-CoV-2 len lỏi khắp nơi, trong các bản tin nóng hổi, trong các từ khóa tìm kiếm trên internet, trong câu chuyện thường ngày, trong không khí và trong cơ thể của hàng triệu người… Đại dịch này không chỉ đẩy hệ thống y tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng mà còn kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Khởi phát từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, dịch Covid-19 nhanh chóng lan sang một số nước châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Anh vào tháng 3-2020. Sau đó, tâm dịch chuyển sang Ấn Độ, Iran ở châu Á, rồi đến Mỹ, Brazil ở châu Mỹ. Từ cuối tháng 3 đến nay, Mỹ liên tục giữ vị trí đầu tiên trong “bảng xếp hạng” Covid-19 cả về số ca mắc và ca tử vong. “Bão” Covid-19 đến nay đã quét qua tất cả các châu lục, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ. Mới đây nhất, đại dịch lan tới tận Nam Cực.
Diễn biến dịch bệnh tại các quốc gia có thể khác nhau về mức độ và phạm vi, song thông qua biểu đồ số ca mắc mới tính theo ngày của Worldometers, có thể thấy thế giới đang trong làn sóng dịch bệnh thứ ba, đáng chú ý là làn sóng sau thường nguy hiểm hơn làn sóng trước.
Vào những ngày cuối năm 2020, thế giới liên tục nhận các tin tốt lành cũng như tin không vui liên quan đến Covid-19. Vaccine ngừa Covid-19 được phê chuẩn tại một số quốc gia đem lại hy vọng đại dịch sớm kết thúc. Tuy nhiên, những báo cáo gần đây về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh, Nam Phi, Nigeria, Canada… càng làm cho cộng đồng quốc tế lo ngại hơn về diễn biến của đại dịch. Với những “vết sẹo” do Covid-19 để lại, năm 2020 sẽ là một năm mà nhiều người không muốn nhớ lại, nhưng chắc chắn đây sẽ là một năm không dễ dàng quên đi.
Theo Worldometers, tính đến 0 giờ ngày 31-12-2020, Covid-19 đã xuất hiện tại 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Danh sách các quốc gia ghi nhận hơn một triệu ca bệnh ngày càng dài. Trong hơn 82,4 triệu người mắcCovid-19, 1,8 triệu người đã tử vongvà 58 triệu người đã hoàn toàn bình phục. WHO lưu ý, nhân viên y tế chiếm khoảng 3% dân số thế giới nhưng chiếm 14% trong tổng số ca bệnh Covid-19.
Đại dịch Covid-19 di chuyển nhanh chóng theo các trục chính của thương mại toàn cầu, gây tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4% trong năm 2020. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng, các nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhiều hơn so với các nước đang phát triển, ở mức -5.8% so với -2,1%, cũng như kỳ vọng sự phục hồi yếu hơn trong năm 2021, ở mức 3,1% so với 5,7%.
Thương mại quốc tế sụt giảm nghiêm trọng do virus lây lan. Với 80% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, các hải cảng là nơi bị virus tấn công hàng đầu.
Dịch bệnh cũng tác động ngay lập tức và tiêu cực đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngay khi Covid-19 bùng phát, FDI lập tức bị “khóa”. Nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập bị đình chỉ hoặc hủy bỏ, nhiều dự án đầu tư đang triển khai bị đình trệ.
Hoạt động sản xuất bị cắt giảm đáng kể trong năm 2020. Ngay trong quý 1, tổng sản lượng sản xuất toàn cầu giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Sau đó là sự sụt giảm sâu hơn trong quý 2 với 11,3%. Đây là sự suy giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khi sản lượng trong quý 1-2009 bị giảm 14%.
Đại dịch Covid-19 giống như một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới vốn đã tiềm ẩn không ít bất ổn, rủi ro. Do dịch bệnh rất khó nắm bắt và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào cho nên các nền kinh tế luôn tỏ ra cẩn trọng khi thực thi các biện pháp phục hồi. Đợt dịch thứ hai, thứ ba đã giáng thêm “đòn chí tử” lên nỗ lực tái hoạt động, nhất là của khối kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia cũng phải gánh chịu những thiệt hại to lớn. Khi các nền kinh tế ở “hạ lưu chuỗi giá trị” – nơi đảm nhiệm phân khúc gia công, lắp ráp, sản xuất bị ngưng trệ, nhiều chuỗi cung ứng do các công ty đa quốc gia nắm giữ bị gián đoạn, đứt gãy.
Tuy nhiên, đại dịch cũng mở ra những cơ hội mới cho từng nền kinh tế. Nhiều quốc gia nhận thấy việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mở rộng thương mại đa phương, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường là vô cùng quan trọng. Mặt khác, bảo hộ thương mại có thể cản trở quá trình luân chuyển sản phẩm trung gian, làm suy yếu các mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và chỉ cần một sự biến động như dịch bệnh Covid-19 cũng có thể khiến hoạt động kinh tế và thương mại bị tổn nghiêm trọng. Sự thay đổi nhận thức này có thể dẫn tới những cải cách kinh tế toàn cầu quan trọng trong thời gian tới.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động nữ đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn so với nam giới. Ngoài ra, người lao động ở các nước đang phát triển, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại dịch Covid-19 đã lấy đi 81 triệu việc làm trong năm 2020, gây xáo trộn thị trường lao động.
Hàng triệu việc làm “bốc hơi”, hàng triệu sinh kế đã và đang gặp rủi ro và dự báo sẽ có thêm 130 triệu người sống trong cảnh nghèo đói nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài. Theo WB, tỷ lệ nghèo cùng cực trong năm 2020 là 8,82% (so với 8,23% năm 2019) và có hơn một tỷ người sống với thu nhập dưới 1,90 USD/ngày, chủ yếu ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, châu Phi cận Sahara.
Các số liệu nêu trên cho thấy, Covid-19 là nhân tố nới rộng khoảng cách bất bình đẳng xã hội, đẩy những nhóm dễ bị tổn thương vào tình trạng nguy hiểm hơn và có thể phá hủy nhiều thành tựu về giảm nghèo mà nhân loại gây dựng trong nhiều năm qua.
Đại dịch Covid-19 đã khai thác và làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng trong thế giới của chúng ta. Nhưng nó cũng cho thấy, khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, chúng ta có thể cùng nhau tìm ra nhiều giải pháp mới. Tất cả các cuộc khủng hoảng đều là cơ hội để đặt câu hỏi về cách chúng ta làm việc và tìm ra cách mới để thực hiện chúng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Khủng hoảng kinh tế do Covid-19 khiến ngân sách đầu tư giáo dục bị cắt giảm mạnh. Theo dự báo của Save the Children, đại dịch có thể làm giảm 77 tỷ USD đầu tư vào giáo dục ở các nước thu nhập thấp và trung bình tính đến cuối năm 2021.
Đại dịch còn làm gián đoạn các hoạt động giáo dục tại chỗ. Rất nhiều trường học ở tất cả các cấp phải đóng cửa. Hệ quả tiếp theo là tâm lý của học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều người cảm thấy tương lai khá mờ mịt khi việc học bị đình đốn, quá trình chuyển tiếp từ học tập sang đi làm bị kéo dài. Ngoài ra, trường học đóng cửa kéo theo các bữa ăn miễn phí hay giảm giá tại trường bị tạm ngừng.
Tương tự như đối với sự đình trệ của dòng chảy thương mại, sản xuất, đại dịch còn làm gián đoạn quá trình quốc tế hóa giáo dục. Các quy định hạn chế đi lại, ngưng nhập cảnh buộc nhiều sinh viên quốc tế phải hoãn việc nhập học, dừng các chương trình trao đổi giáo dục, thậm chí phải quay về nước.
Mặt khác, Covid-19 cũng thúc đẩy các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận hợp tác để duy trì, củng cố và phát triển giáo dục trong bối cảnh mới. Các cơ sở đào tạo cũng nỗ lực đưa ra các giải pháp sáng tạo như giáo dục trực tuyến và những người thiếu cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục cũng được quan tâm hơn. Đây cũng là chiến lược mà Liên minh Giáo dục toàn cầu (Global Education Coalition) của UNESCO đang áp dụng.
UNESCO ước tính, khoảng 95% các bảo tàng trên toàn thế giới (hơn 95 nghìn cơ sở) phải tạm đóng cửa do Covid-19, 13% trong số đó khó có cơ hội hoạt động trở lại do các thiệt hại về kinh tế. Ngành công nghiệp phim cũng đánh mất 10 tỷ USD trong năm 2020 vì dịch bệnh. Hàng nghìn lễ hội, sự kiện văn hóa, âm nhạc, triển lãm, xuất bản sách… bị tạm dừng hoặc hủy do dịch bệnh.
Tuy nhiên, khác với lĩnh vực thương mại hay sản xuất, rất khó định lượng và ước tính đầy đủ thiệt hại do sự đứt đoạn của các hoạt động văn hóa trong thời kỳ đại dịch bằng các con số.
Du lịch là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong nhiều năm qua và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tăng trưởng của nhiều quốc gia. Đối với các các nước kém phát triển nhất (LDCs), du lịch là một ngành quan trọng đóng góp trung bình 9,5% vào GDP.
Các dữ liệu của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UN WTO) ước tính, năm 2020, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại cho ngành du lịch toàn cầu từ 850 triệu đến 1,1 tỷ lượt khách quốc tế, tương ứng với 910 triệu đến 1,1 nghìn tỷ USD doanh thu và khoảng 100-120 triệu việc làm.
Mới đây Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đưa ra dự báo ảm đạm về ngành hàng không, với doanh thu sụt giảm đến 60% trong năm 2020. Với đà lao dốc này, 2020 sẽ trở thành năm tồi tệ nhất của ngành vận tải hàng không thế giới. Theo IATA, số lượng hành khách sẽ không quay trở lại mức tương tự trong năm 2019 cho đến năm 2023-2024.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, nhu cầu năng lượng toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 6% và lượng khí thải giảm khoảng 8%. Đối với châu Âu, dịch bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc “lục địa già” đạt mục tiêu sử dụng 20% năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng năm 2020. Điều này thôi thúc châu Âu cũng như toàn thế giới đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững.
Trong năm qua, nhu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay, áo choàng, nước sát khuẩn đóng chai,… trên toàn thế giới đã tăng đột biến. WHO ước tính, mỗi tháng có 89 triệu khẩu trang y tế, 76 triệu găng tay y tế và 1,6 triệu kính bảo hộ được sử dụng.
Khi đại dịch lan rộng, dịch vụ giao hàng ăn uống bằng hộp nhựa sử dụng một lần phát triển mạnh. Mua sắm trực tuyến cũng tăng trưởng mạnh với rất nhiều sản phẩm được đóng gói bằng bao bì nhựa. Không thể phủ nhận vai trò của các thiết bị nhựa trong phòng, chống dịch Covid-19, song những vấn đề nêu trên thôi thúc các quốc gia hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa và hướng tới hệ thống tái chế rác thải nhựa bền vững hơn.
Dịch bệnh còn giúp con người nhận thức rõ hơn về mối liên hệ giữa các hành vi hằng ngày đối với môi trường tự nhiên. Việc từ bỏ những thói quen tiêu dùng không cần thiết ở quy mô toàn cầu có thể đem lại những lợi ích to lớn đối với môi trường. Từ đây, các chiến dịch về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm rác thải nhựa, phát triển kinh tế tái tạo sẽ có thêm những chất liệu và ý tưởng sáng tạo mới.
Đại dịch đã có những tác động nhất định đến cuộc bầu cử tại Mỹ, một trong những sự kiện chính trị thu hút mối quan tâm của đông đảo người dân trên thế giới trong năm 2020.
Trước hết là sự khác biệt trong việc tiếp cận và xử lý dịch bệnh của hai ứng viên Tổng thống Mỹ: ông Donal Trump của đảng Cộng hòa và ông Joe Biden của đảng Dân chủ. Ông Trump luôn lạc quan trước tình hình dịch bệnh, tổ chức các sự kiện tranh cử rầm rộ, đông người tham gia. Trong khi đó, ông Biden khá thận trọng thực hiện các biện pháp phòng tránh virus trong chiến dịch vận động tranh cử. Ứng cử viên của đảng Dân chủ thường hạn chế tương tác trực tiếp với cử tri và tận dụng lợi thế của các sự kiện trực tuyến.
Đầu tháng 10, ông Trump và phu nhân được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Tiếp đó, Ủy ban Tranh luận Tổng thống (CPD) thông báo, cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng viên Tổng thống sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố không tham gia tranh luận theo hình thức này. Sau đó, cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai bị hủy, thay vào đó, hai ứng cử viên đã tham gia phiên hỏi – đáp riêng rẽ với cử tri được phát sóng trên truyền hình.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều bang ở Mỹ đã áp dụng hình thức bỏ phiếu sớm, bỏ phiếu qua thư trước Ngày Bầu cử (ngày 3-11-2020). Các cuộc bầu cử sơ bộ trước đó cũng bị lùi lại ở nhiều nơi. Theo Dự án Bầu cử Mỹ, tính đến ngày 29-10, hơn 80 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm, tương đương hơn 58% tổng số cử tri tham gia cuộc bầu cử năm 2016. Chính sự thay đổi về thể thức và thời gian kể trên đã dẫn đến những thách thức pháp lý kéo dài sau Ngày Bầu cử.
Đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng mà còn là một biến cố lớn đối với nhân loại. Những mầm mống tiêu cực và tích cực trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội… bung ra mạnh mẽ hơn trong bối cảnh dịch bệnh càn quét toàn cầu. Đại dịch khiến thế giới phải đối diện với những vấn đề chưa có tiền lệ, mặt khác thúc đẩy quá trình sáng tạo, đổi mới.
Để sớm đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới sau các làn sóng dịch Covid-19 trong năm 2020, các quốc gia cần giải quyết thấu đáo bài toán về đáp ứng nhu cầu thiết yếu của công dân, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tự do cá nhân và lợi ích cộng đồng, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài trong các lĩnh vực cơ bản, đặc biệt là y tế…
Trước mắt, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới tùy thuộc vào năng lực quản trị và xử lý khủng hoảng của từng quốc gia cũng như nỗ lực chung trong việc kiểm soát đại dịch, nhất là vấn đề phân phối vaccine. Không có một quốc gia nào an toàn khi thế giới chưa khống chế được đại dịch. Covid-19 cho thế giới thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự hợp tác, đoàn kết trong nỗ lực ứng phó với các biến cố thời đại toàn cầu hóa.
Thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách, trong đó có các cuộc khủng hoảng nhân đạo, các cuộc xung đột ác liệt và một đại dịch tàn khốc. Covid-19 cho chúng ta thấy rõ hơn bao giờ hết, các quốc gia không thể tự giải quyết những thách thức này. Những vấn đề toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu, và đó là lý do chúng ta cần tái khẳng định chủ nghĩa đa phương.
Ý kiến ()