Nhìn lại một năm thành tựu khảo cổ học
Một số thành quả khai quật và nghiên cứu của các nhà khảo cổ trong một năm qua.
Nhiều tư liệu mới quý giá
Những phát hiện khảo cổ học nổi bật được chú ý trong năm qua có thể kể tới như: Khai quật và tổ chức Hội thảo quốc tế về di chỉ thời đại đá cũ ở An Khê (Gia Lai), các khai quật phát hiện về thời đại Đá ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, phát hiện di cốt người trong hang động núi lửa ở Đắc Nông… Những phát hiện này cũng “điều chỉnh” lại nhận thức về quá trình cư trú của con người trên lãnh thổ Việt Nam cũng như niên đại của những dấu vết sớm nhất đã được mở rộng (sớm) hơn tới hàng chục nghìn năm. Thời đại Kim khí và nghành khảo cổ học lịch sử có những phát hiện mới ở Vườn Chuối (Hà Nội), Đồi Giàm (Phú Thọ), tiếp tục khai quật khu vực điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng long theo khuyến nghị của UNESCO, khai quật ở thành nhà Hồ, Am Cát (Thanh Hóa). Ngành khảo cổ học còn thực hiện các Đề án khai quật, nghiên cứu các nền Văn hóa Chăm Pa và Óc Eo ở Quảng Nam, Phú Yên, Đắc Lắc, Long An, An Giang…
Rìu tay được phát hiện ở An Khê.
Khảo cổ học dưới nước là một chuyên ngành mới phát triển nhưng năm 2019 cũng đã có 11 báo cáo nghiên cứu. Chương trình Khảo cổ học hàng hải Việt Nam đã tiến hành khai quật ở đảo Quan Lạn, khai quật hai lần ở di tích Đồng Chồi (Quảng Ninh). Những nghiên cứu này làm rõ hơn giá trị của các di tích và góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa vùng biển đông bắc trước khi Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế trong thời trung đại. Đặc biệt, các phương tiện kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu hiện đại đã được các nhà khảo cổ học dưới nước Việt Nam áp dụng thành công như khảo sát viễn thám, sử dụng các thiết bị máy quét cạnh sóng âm, máy chụp cắt lớp địa hình đáy biển để phát hiện các điểm nghi vấn có di tích, lặn khảo sát bằng bình khí nén v.v.
Một năm qua, ngành khảo cổ học tiếp tục tích cực nghiên cứu về tất cả các giai đoạn lịch sử trên nhiều vùng, phủ khắp đất nước. Những khai quật, nghiên cứu mới đã bổ sung những hiện vật thật, những cứ liệu khoa học chính xác để đi sâu tìm hiểu lịch sử cư trú của con người, lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam.
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ cho biết: “Đây là những nghiên cứu khoa học bổ sung những tư liệu rất mới/quý trong nghiên cứu diễn trình hình thành và phát triển dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện và hoàn thiện con người trên cương vực lãnh thổ Việt Nam ngày nay, góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam… Những tư liệu từ các nhà khảo cổ học còn là những minh chứng khẳng định để bảo về chủ quyền dân tộc”.
Cùng với việc khai quật làm xuất lộ và đánh giá các giá trị của di tích, hiện vật, các nhà khảo cổ học còn làm tốt công tác tư vấn các phương án bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa trong lĩnh vực này như: Các khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Tràng An và thành nhà Hồ, các khu di tích Trà Kiệu, Yên Tử và gần đây là khu di tích Đá cũ ở An Khê. Các nhà khảo cổ học sẽ còn tiếp tục tư vấn để bảo tồn di chỉ Vườn Chuối (ở Hà Nội), các di tích văn hóa Óc Eo và Chăm Pa (ở các tỉnh phía nam) với định hướng kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khai quật và bảo vệ, giữa bảo tồn di sản văn hóa và và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Nhiều vấn đề được thảo luận
Tại bốn tiểu ban, trong hai ngày, các nhà khoa học đã thảo luận về nhiều chủ đề thú vị và còn đang rất “mở”: Nhận thức về diễn trình lịch sử tiến hóa của con người và văn hóa; sự xuất hiện sớm của con người ở Việt Nam; những lý thuyết, phương pháp mới về khảo cổ học; vấn đề nghiên cứu khảo cổ học kết hợp truyền thống và hiện đại với những hướng tiếp cận đa ngành và liên ngành; vấn đề mở rộng hợp tác nghiên cứu quốc tế với các viện nghiên cứu, các trường đại học có uy tíin trên thế giới… Câu chuyện bảo vệ, bảo tồn di tích khảo cổ học sau khai quật một lần nữa được nêu lên với nhiều bức xúc. Nhiều di tích, di chỉ khảo cổ sau khi được “lấp cát bảo tồn” đã dần bị lãng quên và cũng dần bị lấn chiếm, xâm hại, thậm chí nhiều di tích đã biến mất. Tình trạng xây dựng “thêm” trùm lên di tích cũng diễn ra khi còn chưa kịp có những nghiên cứu sâu và đầy đủ. Vấn đề đặt ra là cần có một quy hoạch khảo cổ học tỷ mỷ để có thể “kiểm đếm” và các cơ quan chức năng cần tìm phương án bảo tồn tốt nhất cho các di tích.
Di cốt người cổ phát hiện tại khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.
Thực trạng phát triển xây dựng các công trình mới rất mạnh mẽ cũng là mối đe dọa lớn làm biến dạng hoặc biến mất những tư liệu quý giá dưới lòng đất. TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học, còn trăn trở: “Không chỉ quá trình đô thị hóa với các công trình lớn có thể làm mất đi các di chỉ khảo cổ mà còn đang diễn ra một quá trình “trang trại hóa” ở khắp các vùng miền, nhất là những trang trại được đầu tư lớn theo mô hình phát triển sản xuất hàng hóa kết hợp với khai thác kinh tế du lịch thường ở những vị trí “đắc địa”. Những nơi này cũng thường là điểm chú ý của các nhà khảo cổ học và dự đoán bên dưới có di tích. Những trang trại quy mô lớn ngay liền kề (hoặc thậm chí nằm trên) rất dễ làm hỏng các di chỉ khảo cổ – những di tích không thể tái tạo”.
Mỗi Hội nghị “Thông báo những phát hiện mới về Khảo cổ học” hàng năm gắn với lịch sử hình thành và phát triển của khảo cổ học nước nhà. Đây còn là dịp để các nhà khảo cổ học trên toàn quốc gặp gỡ, chia sẻ những thông tin, kết nối những sự hợp tác. Những thành công của các nhà khảo cổ học còn được chờ đợi trong những lần thông báo khảo cổ học tiếp theo.
Ý kiến ()