Nhìn lại một chặng đường
LSO-Qua 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Lạng Sơn đã đạt được những bước tiến quan trọng trên nhiều phương diện. Những tâm lý nghi ngại trước kia, nay nhường chỗ cho sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Chặng đường đầu đã tạo nền tảng vững chắc cho nông thôn mới Xứ Lạng, chặng đường ấy ghi dấu sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của toàn dân.
Khẩn trương thi công cầu trên Quốc lộ 4B tại huyện Đình Lập |
Trò chuyện về chặng đường đã qua, một đồng chí lãnh đạo huyện (xin không được nêu tên) bộc bạch: nói thật tình, từ lúc Ban Bí thư Trung ương Đảng xây dựng thí điểm chương trình nông thôn mới ở 11 xã trong cả nước, chúng tôi cũng có theo dõi, nhưng vẫn nghĩ chương trình đó ở đâu, xa vời lắm. Cứ so sánh thực tiễn điều kiện của Lạng Sơn, khó khăn thì bộn bề mà tiêu chí nông thôn mới xem ra lại cao vời vợi. Nếu triển khai chương trình phải bắt đầu từ đâu? Làm như thế nào? Huy động sức dân ra sao?…cả trăm câu hỏi đặt ra, mà câu nào cũng khó. Thế nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những băn khoăn ban đầu ấy đã dần qua đi, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, sự quan tâm, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong những công việc cụ thể của các cấp, ngành đã từng bước khai thông những khó khăn, vướng mắc.
Còn nhớ tại Hội nghị triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn được tổ chức hồi tháng 2/2011, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ và quyết tâm của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn. Trong đó nhấn mạnh: trước tiên phải đẩy mạnh tập huấn cho các cán bộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho toàn xã hội hiểu về nông thôn mới; tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực trong quá trình triển khai; các địa phương cần thực hiện một cách nghiêm túc, cầu thị, tham quan, học tập các địa phương đi trước… Và để củng cố quyết tâm, đồng thời định hướng trong cả giai đoạn, ngày 12/8/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020. Ngay sau đó, các cấp, ngành đã tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, việc làm hiệu quả, thiết thực đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Với phương châm xuyên suốt: “xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng, cuộc vận động toàn xã hội, không chủ quan, nóng vội, nhưng cũng không được buông xuôi”, một mặt các thành viên trong Ban chỉ đạo từ tỉnh tới cơ sở tự tiềm hiểu, nâng cao trình độ, phương thức triển khai và tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Mặt khác thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp đồng bộ giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Trong hoàn cảnh chưa có biên chế bổ sung và cũng chưa có nhiều địa phương thành lập Văn phòng điều phối, thì tháng 6/2012, Lạng Sơn quyết định thành lập Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới thay cho Văn phòng Ban chỉ đạo. Đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã ra quyết định biệt phái một số cán bộ ở những sở, ban, ngành có liên quan đến nhận công tác tại Văn Phòng điều phối với nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức triển khai chương trình nông thôn mới và các chương trình, đề án khác có liên quan đến xây dựng nông thôn mới. Đồng thời thường trực giải quyết công việc hàng ngày của Ban chỉ đạo; xây dựng chương trình và phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo để thực hiện chương trình có hiệu quả. Bước đi chủ động, năng động của Lạng Sơn đã thực sự tạo ra hiệu quả và được các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá cao.
Từ xuất phát điểm thấp hơn so với các địa phương khác, nhưng trải qua quá trình triển khai thực hiện, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã vươn lên tốp khá trong cả nước. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã đóng góp được hàng chục tỷ đồng, hơn 1 triệu ngày công cùng trên 200.000m2 đất cho xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch chung tất cả các xã đã hoàn thành và dự kiến hết năm 2013, 35 xã điểm tập trung chỉ đạo sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết. Trong khi đó đề án xây dựng nông thôn mới từ cấp tỉnh tới cơ sở đã cơ bản hoàn tất. Theo rà soát của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, thời điểm này toàn tỉnh đã có 1 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới và đang tiếp tục củng cố để hoàn thiện; 3 xã đạt trên 15 tiêu chí; 15 xã đạt 14 tiêu chí; 66 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và chỉ còn 122 xã dưới 5 tiêu chí, giảm tới 64 xã so với thời điểm bắt đầu triển khai.
Sơ lược về chặng đường đã qua để thấy rằng quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã thực sự có những chuyển biến rõ nét, quan trọng là tâm thế nay đã đổi khác rất nhiều, tự tin, vững vàng và sáng tạo hơn.
Ý kiến ()