Nhìn lại công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2017
Hiện, tất cả các địa phương đã công bố chính thức kết quả điểm thi, Bộ GD&ĐT cũng đã xác định ngưỡng điểm sàn đầu vào cho tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 và một số trường đại học bắt đầu công bố điểm trúng tuyển vào trường.
Những điểm nhấn đáng chú ý
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là năm đầu tiên mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một loại cụm thi, không phân biệt cụm thi cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh được thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ ngay tại địa phương nơi trường theo học.
Để hỗ trợ các Sở GD&ĐT tổ chức thi, Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên các trường ĐH và trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là trường CĐ) về các địa phương tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi.
Đây là lần đầu tiên Kỳ thi được tổ chức thi theo bài và có dạng bài thi tổ hợp gồm nhiều môn thi và cũng là lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi nhằm tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giá trị sống cho HS.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. Đây là giải pháp kỹ thuật để hạn chế tình trạng quay cóp, tiêu cực trong phòng thi.
Bên cạnh đó, thí sinh được tạo thuận lợi nhiều hơn trong lựa chọn môn thi và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Ngoài 3 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ), thí sinh có thể chọn bài thi Khoa học tự nhiên hoặc/và bài thi Khoa học xã hội. Nếu chọn cả hai bài thi thì bài thi nào có điểm cao hơn sẽ được tính để xét tốt nghiệp THPT.
Mặt khác, năm nay thí sinh được đăng ký xét tuyển ĐH cùng lúc với đăng ký dự thi với số nguyện vọng không giới hạn. Các quy định này nhằm tạo điều kiện cho thí sinh phát huy tối đa năng lực sở trường và có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia 2017, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga làm Trưởng ban, sự chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc của các địa phương chính là yếu tố tiên quyết làm nên thành công của Kỳ thi. Quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi, UBND các tỉnh và các Bộ, ngành liên quan đã chủ động vào cuộc cùng với ngành Giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai Kỳ thi.
Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh/thành phố với sự tham gia của lãnh đạo các cấp, các sở, ban, ngành, lãnh đạo trường ĐH, CĐ đã chủ động chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi: Xây dựng và triển khai kế hoạch khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh quán triệt Quy chế thi; huy động các lực lượng xã hội tham gia phối hợp tổ chức thi; chỉ đạo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2016-2017 và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trong các cơ sở giáo dục phổ thông; tập huấn nghiệp vụ và chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức thi theo quy định và chủ động truyền thông để học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu đúng về Kỳ thi.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động các sở, ban, ngành của địa phương hỗ trợ tổ chức Kỳ thi với điều kiện thuận lợi nhất. Nhìn chung, các địa phương đã rất cố gắng để tạo những điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi này.
Các Bộ, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tích cực phối hợp, chủ động tham gia cùng với Bộ GD&ĐT và các địa phương triển khai tổ chức Kỳ thi; thực hiện tốt những nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT đề xuất, kiến nghị trong kế hoạch phối hợp tổ chức thi…
Tuân thủ chặt chẽ các quy định
An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh yên tâm dự thi – đó là những yêu cầu đặt ra của Bộ GD&ĐT đối với Kỳ thi vừa qua, được các địa phương đến từng cơ sở giáo dục, từng cán bộ làm công tác coi thi.
Sự an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế được thực hiện từ công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, các công tác liên quan đến đề thi, công tác coi thi cho đến công tác chấm thi, công bố kết quả và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đó cũng chính là các yếu tố làm nên sự thành công toàn diện của Kỳ thi, được xã hội đánh giá cao, đồng thời các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển.
Dù vẫn còn một số tồn tại nhỏ cần tiếp tục rút kinh nghiệm và điều chỉnh, nhưng có thể nói, Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã được tổ chức thành công nghiêm túc, khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Theo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017, dù các giai đoạn quan trọng nhất của Kỳ thi đã qua, nhưng chỉ là mới được một nửa chặng đường.
Nhiệm vụ trọng tâm của các Sở GD&ĐT giai đoạn này là hoàn tất việc phúc khảo bài thi cho thí sinh, hoàn thiện xét công nhận tốt nghiệp THPT; gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh; các trường phổ thông cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh; sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi và hỗ trợ các trường ĐH, CĐ trong công tác xét tuyển sinh.
Đối với các trường ĐH, CĐ, nhiệm vụ hàng đầu là triển khai chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau Kỳ thi: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường và kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 rút ngắn còn 2,5 ngày. Việc tổ chức một loại cụm thi ở mỗi tỉnh/thành phố do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp là một đổi mới căn bản về cách thức tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng tích cực trong bối cảnh xã hội chưa thật sự tin tưởng sự khách quan, công bằng của các kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tại địa phương trước đây.
Ý kiến ()