Nhìn lại công tác quy hoạch và điều tiết thị trường nông sản
Trong những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc với nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đứng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong những ngày này, dư luận đang rất quan tâm tới công tác quy hoạch và điều tiết thị trường nông sản Việt nam.
Thực tế, việc quy hoạch và điều tiết thị trường hàng nông sản Việt Nam đã được bàn thảo nhiều nhưng nó càng trở nên cấp thiết hơn sau sự kiện gần 1 tháng qua, hàng ngàn tấn dưa hấu đang mắc kẹt tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Có lẽ đó, chỉ là một hiện tượng, là “giọt nước làm tràn ly” trong rất nhiều những bất cập mà xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phải đối mặt. Nhưng quả thực, sau sự việc này, yêu cầu chấn chỉnh lại công tác quy hoạch và điều tiết thị trường nông sản càng trở nên cấp thiết hơn, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn.
Tình trạng ùn tắc xe tải chở dưa hấu trên cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (Ảnh: Báo Công Thương) |
Không chỉ là câu chuyện quả dưa hấu gần đây nhất; trước đó đã có chuyện thu gom lá điều khô, thu mua đỉa; hay câu chuyện về ốc bươu vàng nhiều năm trước… sâu rộng hơn là câu chuyện về sự phụ thuộc quá lớn vào con đường xuất khẩu tiểu ngạch, khâu trung gian (còn gọi các thương lái) trong nông nghiệp đang bị vượt khỏi tầm kiểm soát khi có quá nhiều sự việc cho thấy thương lái đang cố tình “ăn chặn” của người nông dân và thương lái đang định hướng mùa vụ, thị trường… Và, dường như tình trạng “được mùa, mất giá” được lặp đi, lặp lại như một quy luật, để rồi gánh nặng vẫn đè trĩu nặng trên vai người nông dân.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, trên thực tế thị trường các nông sản chủ yếu chỉ đạt được trạng thái cân bằng trong những giai đoạn nhất định. Trong thời gian dài hơn, thị trường nông sản có thể xảy ra sự mất cân bằng (do việc cung ứng nông sản tăng sau thu hoạch; nhu cầu về các sản phẩm tươi sống lúc trái vụ …). Biểu hiện đặc trưng của trạng thái mất cân bằng trên thị trường một loại nông sản nào đó giá cả ở mức quá cao hay qúa thấp so với giá cân bằng thị trường. Khi giá thị trường quá cao, cung vượt cầu làm cho nhiều người bán không tìm được người tiêu dùng. Ngược lại, khi giá quá thấp thì cầu vượt cung, làm cho nhiều người tiêu dùng chưa được thoả mãn. Vì vậy, giá cả càng vượt xa cao hơn hay thấp hơn quá mức so với giá cân bằng thị trường thì lượng trao đổi giữa cung và cầu nông sản càng ít đi. Tuỳ từng trường hợp, sự biến động tăng (giảm) giá nông sản trên thị trường đều có ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất (người tiêu dùng) nông sản.
Chính phủ điều hoà giá cả thị trường nông sản là sự thể hiện tập trung nhất đường lối phát triển nền nông nghiệp theo cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước. Trong quá trình xây dựng và phát triển nông nghiệp, Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp: Kiểm soát giá và định mức cung cấp thực phẩm cơ bản; Định giá trần hoặc giá sàn; Lập quỹ dự trữ quốc gia…
Mặc dù vậy, với những diễn biến phức tạp của thị trường, có lẽ đã đến lúc cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc về công tác quy hoạch và điều tiết thị trường nông sản.
Quy hoạch lại vùng trồng dưa hấu nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung (Ruộng dưa hấu tại Kim Thành, Hải Dương. Ảnh: HNV) |
Trước thực trạng dưa hấu dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh Lạng Sơn vừa mới đây, được biết, Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) cũng đã có văn bản kiến nghị, cần nghiên cứu tổng thể về quy hoạch trồng trọt, sản lượng, chất lượng, bảo quản, chính sách phát triển và quản lý, lưu thông phân phối, thương nhân xuất nhập khẩu… dưa hấu, để hạn chế kinh doanh tự phát, dễ gây ùn tắc tại cửa khẩu và thiệt hại về kinh tế như hiện nay. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng dưa hấu cần chủ động điều tiết kế hoạch giao hàng, vận chuyển hàng lên các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn), tránh tình trạng tranh mua tranh bán, kéo theo sự thiệt hại về chất lượng hàng hóa cũng như bị đối tác ép giá.
Không phủ nhận một thực tế, công tác quản lý và điều hành các mặt hàng nông sản thời gian qua, trong đó có mặt hàng dưa hấu nói riêng còn hạn chế, khiến điệp khúc “dưa hấu tồn đống” lặp đi lặp lại nhiều năm, cộng với dự báo thị trường cũng chưa sát với thực tế. Nhưng cũng phải lưu ý, bản thân người dân vẫn còn lúng túng trong xử lý thông tin thị trường và chưa nắm bắt hết nhu cầu cũng như cách thức đóng gói hàng xuất khẩu theo yêu cầu và thị hiếu của đối tác. Do đó, đã đến lúc cả người dân và các chủ doanh nghiệp trong nước phải thận trọng, điều tiết xuất khẩu nông sản ở mức hợp lý, theo lịch trình cụ thể, tránh để bị ép giá.
Cũng theo Bộ Công thương, về lâu dài, cần đầu tư trung tâm thu mua và phân phối nông sản, phối hợp trong chính sách thương mại biên giới.
Đề cập đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, nước ta đang trong giai đoạn đổi mới và nâng cao, với chức năng của Bộ, có nhiều đề nghị, đề xuất cơ chế chính sách để phát triển thị trường trong nước, trong đó có phát triển thị trường thương mại nông thôn. Đối với xúc tiến thương mại (XTTM), thực hiện chương trình XTTMQG hướng vào 3 mục tiêu: (1) – thị trường xuất khẩu, nội địa, biên giới – hải đảo, (2)- chương trình phát triển hệ thống chợ, hạ tầng thương mại trong nước, có phát triển chợ truyền thống và hệ thống thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị; (3)- chương trình quy hoạch thương nhân trong lĩnh vực thu mua nông sản và lúa gạo. Đặc biệt, Bộ cũng đã triển khai thực hiện chương trình liên kết tiêu thụ nông sản – vật tư nông nghiệp, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2010, đã thí điểm 12 tỉnh, thành phố, đã tổng kết cho kết quả tốt, nhất là đã có sự liên kết giữa các chủ thể, người nông dân, hộ kinh doanh, nhà nước, hình thành chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ đảm bảo phân phối lợi ích công bằng hơn và có lợi hơn cho người nông dân.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận: Quy trình từ sản xuất tới tiêu thụ đều phải có trung gian, vấn đề là làm sao để giảm bớt trung gian, rút ngắn và quản lý hiệu quả trung gian. Để tránh thực trạng người nông dân sản xuất chính nhưng lợi ích không bằng khâu trung gian (các thương lái), với chức năng của mình, Bộ Công Thương sẽ tích cực tìm thị trường xuất khẩu, tăng cường đám phán song phương, đa phương tìm thị trường xuất khẩu, đồng thời kết nối đưa hàng hóa vào trung tâm, siêu thị hiện đại và của cả chợ truyền thống làm đa dạng hóa đầu ra cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung, từ đó, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay.
Theo CPV
Ý kiến ()