Nhìn lại chặng đường 5 năm
LSO - Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thi đua và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chủ động triển khai và đẩy mạnh thực hiện công tác thi đua yêu nước trong tuổi trẻ gắn với việc học tập và làm theo lời Bác. Công tác tuyên truyền, giáo dục được chú trọng, cụ thể hoá việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi với nhiều giải pháp thiết thực.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành nội dung sinh hoạt định kỳ, thường xuyên, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Chỉ thị 01-CT/TWĐTN của Trung ương đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác cán bộ Đoàn” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các hoạt động hướng về biển đảo và biên cương Tổ quốc được quan tâm triển khai, điểm nhấn là cuộc vận động “Tuổi trẻ biên cương Xứ Lạng góp đá xây Trường Sa”; Chương trình “Thắm tình biên cương”, Chương trình “Hành trình biên giới – Khi Tổ quốc cần”.
Phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc’’ và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được cụ thể hóa, sát với thực tiễn qua các phong trào “Bốn mới”, “Sáng tạo trẻ” và “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Cùng đó, công tác vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh. Đến nay, dư nợ đạt trên 310 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2010, với 441 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 11.625 hộ vay; vốn vay từ chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm được giải ngân 1,6 tỷ đồng, với 16 dự án và giải quyết việc làm cho trên 125 lao động. Các cấp bộ đoàn đã tổ chức được trên 60 hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Thông qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, trong đó có trên 200 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, có thu nhập mỗi năm từ 70 đến trên 200 triệu đồng trở lên.
Phong trào thi đua xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng gắn với phong trào thi đua “Tuổi trẻ Lạng Sơn chung tay xây dựng nông thôn mới” được triển khai hằng năm, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Qua đó đã vận động được trên 8.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu, thu được 6.319 đơn vị máu; khám và cấp thuốc miến phí cho 12.898 lượt người dân vùng khó khăn, xây dựng 55 nhà bán trú dân nuôi, phòng học mầm non, bếp ăn bán trú tặng học sinh vùng khó khăn, biên giới; tổ chức 55 đợt hiến máu tình nguyện. Hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo thực hiện mô hình đăng ký giúp đỡ trên 300 hộ gia đình để sớm đạt chuẩn các tiêu chí hộ gia đình nông thôn mới. Tổ chức 36 công trình thanh niên cấp tỉnh, huyện; 1.308 công trình, phần việc thanh niên tình nguyện, trong đó có 176 đoạn đường “Thanh niên tự quản”; 09 mô hình điểm “Thắp sáng đường thôn”; giúp đỡ nhân dân xây dựng trên 600 nhà vệ sinh cải tiến; giúp nhân dân di dời trên 200 chuồng trại ra xa nơi ở; triển khai mô hình điểm với 50 lò đốt rác gia đình; xây dựng mô hình thôn bản xanh – sạch – đẹp tại 04 xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng thành công Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng (Văn Lãng), đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất cho 146 hộ gia đình, trong đó có 65 hộ gia đình thanh niên tuyển mới, góp phần củng cố vững chắc khu vực biên giới, đồng thời tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn nơi có dự án.
Phong trào thi đua xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được các cấp bộ đoàn quan tâm, thường xuyên duy trì các đội thanh niên xung kích, đội tự vệ tham gia giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, xây dựng 25 mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giúp đỡ trên 200 thanh niên chậm tiến có địa chỉ. Phong trào thi đua đồng hành với thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong thanh thiếu nhi, mở 129 các lớp dạy nghề ngắn hạn cho 3.820 thanh niên; 47 lớp khởi nghiệp, bồi dưỡng cho trên 2.000 ĐVTN tham gia. Các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho thanh niên được quan tâm, trong đó nổi bật là chương trình “Học kỳ trong quân đội”. Công tác xây dựng tổ chức đoàn được các cấp bộ đoàn tích cực củng cố, nâng cao chất lượng, tăng cường cử cán bộ về công tác cơ sở, tổ chức kết nạp cho 53.812 thanh niên ưu tú, nâng tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên 62.765 đoàn viên; kiện toàn 37 cơ sở hội, phát triển được 8.153 hội viên mới; giới thiệu cho Đảng được 9.851 đoàn viên ưu tú, trong đó có 3.155 đồng chí được kết nạp Đảng. Công tác giáo dục, chăm sóc thiếu niên nhi đồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có 20.235 nhi đồng được kết nạp vào Đội, trên 17.000 bạn đội viên lớn được kết nạp vào Đoàn, có 40.660 đội viên được cấp chuyên hiệu.
Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước thanh niên làm theo lời Bác, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình hay, nhiều gương người tốt, việc tốt được các cấp, các ngành ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Từ những kết quả đạt được, công tác thi đua yêu nước trong tuổi trẻ Lạng Sơn cần tiếp tục quan tâm một số kinh nghiệm: thường xuyên chú trọng công tác phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Chủ động tham mưu với cấp uỷ về việc cụ thể hóa phong trào, cuộc vận động tại địa bàn, đơn vị; tích cực phối hợp với các cấp, các ngành nhằm tạo cơ chế, nguồn lực để phục vụ công tác thanh niên. Nội dung, mục tiêu phong trào thi đua phải được cụ thể hóa, phù hợp với thực tế tổ chức và hoạt động của Đoàn; gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc học tập và làm theo lời Bác và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn; coi trọng việc đăng ký thi đua, tổ chức thi đua, sơ kết, tổng kết, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc. Trong đó, coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền, đánh giá, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ các mô hình điển hình trên các lĩnh vực; chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến. Việc bình xét khen thưởng phải được tổ chức kịp thời, công bằng, công khai, dân chủ, chặt chẽ.
Nguyễn Hoàng Tùng ( Bí thue Tỉnh đoàn)
Ý kiến ()