Nhìn lại ba năm xung đột Nga-Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukraine đi qua năm thứ ba với nhiều diễn biến bước ngoặt trên chiến trường và cả trên bàn đàm phán, nhưng vẫn cần rất nhiều nhượng bộ từ các bên để có thể tiến đến một thỏa thuận hòa bình.
Giằng co từng mét đất
Viện dẫn Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) về quyền tự vệ quốc gia và nhằm bảo vệ hai vùng ly khai Donbass (Lugansk và Donetsk) mới tuyên bố độc lập, Tổng thống Nga Vladimir Putin sáng 24/2/2022 xuất hiện trên truyền hình quốc gia, tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhắm mục tiêu "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" nước láng giềng, khởi động bằng một đợt không kích quy mô lớn nhắm vào các cơ sở quân sự chính trên khắp lãnh thổ Ukraine.

Trưa 24/2/2022, quân đội Nga có mặt ở thủ đô của Ukraine, từng bước kiểm soát sân bay Antonov đầy tính biểu tượng ở ngoại ô Kiev. Một số ước tính cho thấy, khoảng 200.000 binh sĩ Nga được huy động tham gia giai đoạn đầu chiến sự. Thời điểm đó, rất nhiều chuyên gia phương Tây đánh giá cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ kết thúc sớm với thắng lợi cho Nga, giống như cuộc chiến Gruzia cách đó 14 năm.
Nhưng ba năm đã trôi qua, cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa kết thúc và đã chứng kiến không ít diễn biến bất ngờ trên chiến trường. Trong 4 tháng đầu chiến sự, Nga nhanh chóng mở rộng kiểm soát tỉnh Lugansk, giành gần một nửa tỉnh Donetsk ở vùng Donbass phía Đông Nam, chiếm giữ hầu hết tỉnh Kherson và Zaporizhzhia phía Nam và một phần tỉnh Kharkov phía Bắc Ukraine.
Từ mùa Thu năm 2022, khi nguồn viện trợ khổng lồ từ phương Tây bắt đầu được ồ ạt bơm thẳng vào chiến trường, Ukraine đã tận dụng hiệu quả chúng để phản công. Lực lượng Nga từ tháng 9 đến tháng 11/2022 phải rút qua phía bên kia bờ sông Dnipro ở tỉnh Kherson và lùi sau sông Oskil ở tỉnh Kharkov để lập phòng tuyến.
Cuộc phản công hiệu quả của Ukraine khiến Kiev và phương Tây không còn đoái hoài đến kết quả đàm phán (mà Nga cho là đã gần đạt thỏa thuận hòa bình) ở Istanbul hồi tháng 3/2022. Ukraine, nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden và phương Tây sau đó đặt cược vào khả năng chiến thắng của Kiev trên chiến trường; còn Nga quyết không rút quân tới khi mọi yêu cầu về an ninh và lãnh thổ được đáp ứng.

Bước sang năm 2023, một bên là Nga, bên còn lại là Ukraine được phương Tây hậu thuẫn, ồ ạt đổ nhân lực và khí tài vào xung đột. Các cuộc giao tranh chủ yếu được ghi nhận ở Donetsk. Hai bên giằng co nhau từng mét đất. Ukraine phản công nhưng thất bại, Nga cố gắng tiến công nhưng không thể tiến xa. Ranh giới phân tách lãnh thổ kiểm soát Nga-Ukraine dài 1.000km, nhưng nhiều khu vực có ranh giới tự nhiên là những con sông nên khó tiến công. Nga chỉ kiểm soát thêm vài trăm km trong cả năm 2023.
Năm 2024, thế giằng co trở nên gay gắt hơn theo hướng có lợi cho Nga. Ở chiến tuyến Đông Nam, Nga chứng minh được khả năng thích ứng với chiến sự với khả năng sản xuất vũ khí nhanh hơn toàn bộ châu Âu cộng lại. Trong khi đó, Ukraine rơi vào tình cảnh thiếu quân nghiêm trọng, khi phần lớn lực lượng tinh nhuệ và nhiệt thành chiến đấu nhất đã thiệt hại trong giao tranh, trong khi tân binh thiếu kinh nghiệm và ý chí cầm súng. Nhờ quân số và hỏa lực áp, Nga lấy lại ưu thế tiến công.
Ở chiều ngược lại, Ukraine đặt cược vào chiến dịch đột kích bang Kursk của Nga với hi vọng giảm tải áp lực cho chiến trường Đông Nam, tìm kiếm ưu thế đàm phán và qua đó chứng minh cho phương Tây về khả năng chiến đấu khi được viện trợ. Tuy nhiên, các mục tiêu đều không đạt được.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ hôm 31/12/2024 công bố thống kê về chiến sự Ukraine, cho thấy lực lượng Nga trong năm 2024 đã kiểm soát thêm khu vực có tổng diện tích 3.985 km2, rộng gấp 7 lần so với khu vực họ giành được trong năm 2023, chủ yếu ở Donetsk.

Cập nhật chiến sự đến đầu năm 2025 cho thấy, Nga đang nắm giữ 18% lãnh thổ Ukraine so với biên giới được ghi nhận năm 1991, bao gồm toàn bộ bán đảo Crimea, hơn 80% vùng Donbass (Donetsk và Lugansk), 70% diện tích các tỉnh Zaporizhzhia và Kherson; và 4% tỉnh Kharkov. Tại bang Kursk, Ukraine thừa nhận họ còn nắm giữ khoảng 500km2, giảm mạnh từ khoảng 1.300km2 như trong các tuyên bố trước đó.
Khi kì vọng của Ukraine và đồng minh về khả năng đánh bại Nga về quân sự sụp đổ, trong động thái gây khó hiểu ở cuối nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden “bật đèn xanh” để Kiev bắn tên lửa tầm xa phương Tây vào sâu lãnh thổ Nga, động thái không giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến sự, nhưng vượt “lằn ranh đỏ” của Moscow và dẫn đến việc Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshnik tấn công Ukraine cuối năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên một tên lửa loại này được sử dụng trong chiến sự và được đánh giá là đã góp phần thúc đẩy Ukraine và phương Tây dần thay đổi lập trường về cách thức chấm dứt chiến sự.

Về hậu quả, ba năm xung đột ở Ukraine khiến hầu như toàn bộ hạ tầng công nghiệp quân sự của nước này bị xóa sổ; hạ tầng công nghiệp chung và hạ tầng năng lượng thiệt hại nghiêm trọng; nhiều thành phố, làng mạc trở thành đống đổ nát. World Bank ước tính chi phí tái thiết Ukraine vào khoảng 500 tỷ USD.
Nga hiện chưa công bố chi tiết số lượng thương vong. Vài tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận con số thương vong của Ukraine là hơn 45.000 người thiệt mạng và 390.000 người bị thương.
Con số mà ông Zelensky đưa ra thấp hơn nhiều ước tính của phương Tây (New York Times cách đây một năm rưỡi dẫn lời quan chức Mỹ nói 70.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng) và thấp hơn thống kê của Nga. Chỉ riêng chiến trường Kursk, Nga xác định Ukraine thiệt hại hơn 59.000 binh sĩ (thiệt mạng hoặc bị thương).

Xung đột cũng là một thảm họa về nhân khẩu học và kinh tế đối với Ukraine. Dân số thường trú của Ukraine hiện còn khoảng 28-30 triệu người, giảm 25% so với trước chiến sự. Hàng triệu người dân Ukraine rời bỏ nhà cửa sang các nước Liên minh châu Âu (EU) hoặc sang Nga. Giới chuyên gia ước tính đến cuối năm 2025, cuộc xung đột sẽ khiến Ukraine phải hứng chịu khoản lỗ tích lũy 120 tỷ USD về GDP.
Kì vọng vào một lệnh ngừng bắn
Khi Nga lấy lại động lực tiến công trên chiến trường từ cuối năm ngoái, phương Tây thôi kì vọng vào một chiến thắng của Ukraine trên chiến trường trước Nga và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky đã bắt đầu có những điều chỉnh trong tuyên bố về khả năng ngừng bắn.

Tháng 11/2024, ông Zelensky gây bất ngờ khi lần đầu tiên tuyên bố Kiev có thể ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu NATO đồng ý bảo trợ các vùng lãnh thổ còn lại của Ukraine mà quân đội Ukraine đang quản lý; còn các phần lãnh thổ còn lại sẽ giải quyết sau bằng ngoài giao.
"Nếu muốn giai đoạn nóng của cuộc chiến dừng lại, chúng tôi cần phần lãnh thổ mà mình kiểm soát được đặt dưới ô bảo trợ của NATO", ông Zelensky nói với tờ SkyNews. "Chúng ta cần phải nhanh chóng làm điều này. Ukraine sau đó có thể lấy lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng bằng con đường ngoại giao".
Tháng 1/2025, Tổng thống Trump nhậm chức, tình hình tiếp tục thay đổi nhanh chóng theo hướng bất lợi hơn cho Ukraine. Ông Trump khởi động nỗ lực thực tế giải quyết xung đột Ukraine bằng cuộc điện đàm với kéo dài 90 phút với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đảo ngược chính sách cô lập Nga kéo dài 3 năm qua của Mỹ.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cam kết phối hợp chấm dứt xung đột. Tổng thống Mỹ cho biết, ông đồng ý với Tổng thống Putin về vấn đề then chốt liên quan đến tư cách thành viên NATO của Ukraine, điều mà Mỹ và các thành viên khác trong liên minh trước đây mô tả là "không thể đảo ngược". "Họ đã nói suốt một thời gian dài rằng Ukraine không thể gia nhập NATO. Và tôi đồng ý với điều đó", ông Trump cho hay.
Phái đoàn Nga - Mỹ sau đó đàm phán tại Arab Saudi vào ngày 18/2 mà không mời Ukraine hay EU tham gia, phá vỡ chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden. Ông Trump sau đó lập luận rằng, Ukraine đã có 3 năm để đàm phán, nhưng họ không tận dụng được, nên sự xuất hiện ở Arab Saudi là không cần thiết. Phía Nga thì mô tả châu Âu "muốn chiến tranh tiếp diễn, thì làm sao phải mời họ tham gia đàm phán".
Phóng viên Nhà Trắng của Fox News Jacqui Heinrich tiết lộ, sau cuộc đàm phán song phương ở Arab Saudi ngày 18/2, Nga và Mỹ dường như đang mong muốn thúc đẩy "kế hoạch hòa bình ba giai đoạn" ở Ukraine, bao gồm: ngừng bắn, tổ chức bầu cử ở Ukraine, và kí kết thỏa thuận hòa bình. Dù chưa được xác nhận, nhưng đây là lần đầu tiên các bên phác thảo một kế hoạch chung về tình hình xung đột.

Nga hoan nghênh lập trường của Mỹ. Các mục tiêu chính Nga hướng đến sau ba năm chiến sự không đổi, đó là Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, giữ thế trung lập; từ bỏ các vùng lãnh thổ Nga tuyên bố sáp nhập; duy trì tiếng Nga tại các khu vực có người nói tiếng Nga.
Đối với Ukraine, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ như gáo nước lạnh. Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố không chấp nhận ngừng bắn nếu không được đảm bảo an ninh và không từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc mất đi nguồn viện trợ của Mỹ sẽ khiến họ không thể chiếm ưu thế trước Nga. Đây sẽ là đòn bẩy để Ukraine tiếp tục điều chỉnh lập trường đàm phán.
Chưa rõ ông Trump sẽ cân bằng yêu cầu của các bên ra sao. Khác biệt lớn giữa các bên xung đột khiến triển vọng đi đến một thỏa thuận hòa bình sớm là điều rất khó khăn, nhưng ngừng bắn dường như lại khả thi, trong đó, Ukraine có thể sẽ chấp nhận đóng băng tiền tuyến.
"Tôi nghĩ sẽ có thể đạt lệnh ngừng bắn dọc theo tiền tuyến. Có thể có một số điều chỉnh và vùng đệm, nhưng sẽ không thể có những thay đổi lớn nào về lãnh thổ hoặc bất kỳ công nhận chính thức nào về hiện trạng lãnh thổ", Stefan Wolff, giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham ở Anh, nhận định trên KyivIndependent.
Ý kiến ()