Nhìn lại 5 năm phương Tây áp đặt trừng phạt Nga
Chuỗi cửa hàng bán lẻ Magnit ở Nga.
Nguyên cớ để Mỹ và phương Tây mỗi lần gia hạn trừng phạt Nga mỗi ngày lại “phong phú” thêm. Từ lúc chỉ tập trung vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev, đến nay, lý do Mỹ và phương Tây gia tăng trừng phạt Nga còn bắt nguồn từ các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, chi phối đời sống chính trị tại Mỹ, hoạt động “thiếu minh bạch” tại Ucraina, Syria, can thiệp kiểm soát vũ khí ở châu Âu, hay trong vấn đề Triều Tiên… Gần nhất, vụ đụng độ giữa hải quân Nga và Ucraina tại eo biển Kếch là lý do mới để Mỹ và phương Tây tung ra gói trừng phạt tiếp theo.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) khá đồng lòng gia hạn trừng phạt Nga, thì việc thực thi chúng, trên thực tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, các lệnh trừng phạt của EU không dễ có được đồng thuận của toàn bộ 28 thành viên. Đó là chưa kể, cùng thời gian, các nước châu Âu tuy nhất trí duy trì trừng phạt Nga, nhưng có xu hướng giảm nhẹ hơn nhiều. Chính các lợi ích kinh tế đan xen, chặt chẽ giữa EU và Nga là lý do khiến EU muốn “cởi bỏ” dần các lệnh trừng phạt, vốn được thường kỳ gia hạn sau sáu tháng áp dụng.
Trong khi đó tại Mỹ, Quốc hội đưa ra các luật trừng phạt và Bộ Tài chính giữ vai trò thực thi. Do lo ngại Tổng thống D.Trump mong muốn cải thiện quan hệ với Nga và có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ (CAATSA) nhằm áp đặt lệnh trừng phạt Nga. Cốt lõi của CAATSA là điều khoản ngăn chặn Tổng thống chấm dứt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đang áp đặt chống Nga, nếu không được Quốc hội phê chuẩn. Tháng 8-2017, Tổng thống D.Trump miễn cưỡng ký ban hành CAATSA, đồng thời cảnh báo đây là một đạo luật với các “thiếu sót nghiêm trọng”.
Từ khi CAATSA được thông qua, Mỹ đã áp đặt một số lệnh trừng phạt mới với Nga. Nhưng thực tế trong 5 năm qua, có nhiều lệnh trừng phạt Mỹ đưa ra, thực hiện nửa chừng rồi lại tự dỡ bỏ. Trong đó, lệnh được Bộ Tài chính Mỹ công bố hồi tháng 4-2018 gồm những biện pháp hà khắc nhất đối với một loạt cá nhân và tổ chức của Nga, trong đó có công ty nhôm lớn nhất của Nga và thứ hai thế giới là Rusal, nhưng đến tháng 1-2019, chính Bộ Tài chính Mỹ lại phải dỡ bỏ, vì “gậy ông đập lưng ông”, khi giá nhôm toàn cầu bị đẩy lên cao vọt, lập tức ảnh hưởng đến chính các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, với 5 năm đương đầu các đợt trừng phạt liên tiếp từ phương Tây, nước Nga đã dần thích nghi và trụ vững. Thậm chí, năm 2018, kinh tế Nga tăng trưởng 2,3%, mức cao nhất kể từ năm 2012 (ở mức 3,7%). Báo cáo về tầm nhìn kinh tế thế giới năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu năm 2019 cũng ghi nhận nền kinh tế Nga tiếp tục trụ vững, dù các đòn trừng phạt ngày một siết chặt, trong đó nổi bật nhất là tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định, sản lượng dầu tiếp tục tăng trong năm 2018. Một điều đáng nói khác là trước những áp lực không có dấu hiệu giảm nhẹ từ Mỹ, Nga còn mạnh tay “cắt giảm” 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, giảm phụ thuộc đồng USD bằng cách chuyển sang các đồng ngoại tệ khác, như ơ-rô, yên (Nhật Bản) và nhân dân tệ (Trung Quốc), cũng như thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các nước ngoài phương Tây.
Có thể nói, trong 5 năm “cuộc chiến trừng phạt” giữa Nga và phương Tây, mỗi bên đều phải hứng chịu những tổn thất kinh tế nhất định, song Nga cương quyết không nhân nhượng trong chiến lược liên quan cuộc chiến ở Ucraina và Syria. Và cuộc chiến trừng phạt, cấm vận này vẫn chưa đi đến hồi kết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()