"Nhịn đói, ăn dè" làm giao thông nông thôn
Sơn Thành vốn là xã miền núi nghèo của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhưng nhờ biết chắt chiu từng đồng vốn, nay đã vươn lên thành xã phát triển toàn diện của huyện, là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Vậy đâu là bài học thành công?
Sơn Thành vốn là xã miền núi nghèo của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhưng nhờ biết chắt chiu từng đồng vốn, nay đã vươn lên thành xã phát triển toàn diện của huyện, là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Vậy đâu là bài học thành công?
Trên dưới đồng lòng
Tuy là xã miền núi nằm ở cuối huyện Yên Thành, nhưng Sơn Thành biết khai thác lợi thế có tỉnh lộ 534 chạy qua, và tiếp giáp quốc lộ 7 để tập trung phát triển giao thông nông thôn. Ðảng bộ và chính quyền xã đã xác định phát triển giao thông chính là khâu đột phá mang tính quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Sau một thời gian dài “tích cóp” tìm nguồn vốn, huy động chất xám tập thể, bắt đầu từ năm 2000, Sơn Thành lập quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng, trong đó giao thông nông thôn được coi là cơ sở, cũng là tiền đề cho việc xây dựng và phát triển vừa trước mắt, nhưng cũng mang tính ổn định và bền vững lâu dài. Việc lập quy hoạch được xã xây dựng theo hai hướng. Hướng thứ nhất, phải hiện đại với những khu dân cư mới, đường mới và quy hoạch tổng thể trên phạm vi toàn xã. Hướng thứ hai, chỉnh trang giải phóng mặt bằng với những khu dân cư làng cổ, đường cũ…
Việc lập bản đồ quy hoạch được thực hiện công khai, rõ ràng, dễ xem, dễ nhớ, dễ hiểu trên các tấm áp-phích pa-nô được treo tại các địa điểm công cộng, các tuyến đường chính, vị trí được quy hoạch để nhân dân biết. Thông qua đó, vừa nhận được ý kiến đóng góp, tranh thủ sự đồng thuận và tự giác chấp hành của người dân, vừa để nhân dân theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhờ làm tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, nên việc giải phóng mặt bằng các tuyến đường cũ, làng cổ ở Sơn Thành khá thuận lợi. Trên tổng chiều dài 25 km đường cần nâng cấp cải tạo, có tới 400 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng, trong đó có 22 hộ phải di dời nhà cửa. 107 cổng gia đình phải tháo dỡ hàng nghìn mét tường rào, 10,5 ha đất thổ cư, thổ canh, đốn chặt hàng trăm cây tre, cây lấy gỗ, và cây ăn quả,… với tổng giá trị ước tính lên đến gần 12 tỷ đồng, nhưng địa phương không phải tốn một đồng tiền đền bù, nhờ vậy giảm chi phí phát sinh.
Ðến nay, trên phạm vi toàn xã đã có 58/64 km đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và cứng hóa, với tổng giá trị đầu tư hơn 117 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư 31 tỷ đồng để nhựa hóa 6 km đường Sơn Mỹ, Sơn Ðại, còn lại là nguồn vốn huy động trong dân và các tổ chức xã hội khác… Ngoài ra còn có 118 km giao thông nội đồng với bề rộng mặt đường từ 2 đến 7 m được đổ cấp phối, với tổng kinh phí 21 tỷ đồng.
Hệ thống giao thông nông thôn ở Sơn Thành ngày nay đã “đường thông, làng thoáng” không chỉ tạo điều kiện cho người dân 19 xóm tập trung tại bảy cụm dân cư trong xã đi lại thuận lợi, mà còn giúp việc lưu thông hàng hóa từ nhà ra chợ, xuống huyện, lên tỉnh được thuận lợi, tạo “bệ phóng” cho tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã đạt hơn 16,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,7 triệu đồng hộ, số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 4,1%. Ðời sống kinh tế, văn hóa của gần 7.500 hộ dân miền núi ngày càng được cải thiện. Cả xã có tới 40 xe ô-tô con, hơn 400 hộ gia đình xây được nhà cao tầng, thậm chí biệt thự,… góp phần tạo bộ mặt của một nông thôn mới đang phát triển vững chắc.
Ðường thông, việc gì cũng thông
Sở dĩ Sơn Thành từ xã nghèo, trở thành xã điểm về xây dựng nông thôn mới, yếu tố đầu tiên chính là xã đã làm sớm và tốt công tác quy hoạch. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, Sơn Thành đã chủ động xây dựng lập quy hoạch và triển khai thực hiện phát triển hạ tầng. Ðến nay, quy hoạch này so với hướng dẫn của bộ tiêu chí NTM vẫn còn phù hợp, vì vậy khi triển khai xây dựng NTM, Ban chỉ đạo của xã chỉ việc kế thừa và triển khai tiếp các công việc đã làm từ những năm trước, không bị vướng, ít gặp khó khăn trở ngại.
Hai là, xã đã biết chọn và đặt đúng nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đường giao thông – một trong những tiêu chí quan trọng của NTM lên hàng đầu. Sơn Thành coi giao thông là khâu đột phá, ưu tiên đi trước. “Ðường vô thì tiền ra, đường thông thì gì cũng thông” đã trở thành nhận thức chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhất là đối với một xã miền núi như Sơn Thành, giao thông là mong muốn của hầu hết người dân, nhằm kéo gần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi; không chỉ là phục vụ việc đi lại, mà còn có tác dụng phân bố lại dân cư, giúp người dân vùng cao “hạ sơn”, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lưu thông hàng hóa thuận tiện góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường, nâng cao đời sống xã hội…
Ba là, bài học biết tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân, đây chính là động lực và cũng là nguồn nội lực góp phần xây dựng NTM. Người dân Sơn Thành không chỉ đồng thuận từ chủ trương đường lối của Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, mà còn tự nguyện “nói không với kinh phí đền bù khi giải phóng mặt bằng”, thậm chí sẵn sàng huy động thêm các nguồn lực vật chất khác, kể cả ngày công lao động để phục vụ lợi ích chung.
Ðây cũng chính là kết quả của công tác tuyên truyền đi vào lòng người. Sở dĩ người dân Sơn Thành dễ dàng hiến đất, dỡ nhà, góp công, góp của, không tái chiếm những khu đất đã nằm trong quy hoạch, là nhờ công tác tuyên truyền của Ðảng bộ và chính quyền nơi đây ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, đi vào lòng người, khiến cho không chỉ cán bộ, đảng viên mà đến tận quần chúng nhân dân đều thông suốt. Từ thông tư tưởng, đến thông đường, sau đó là việc gì cũng thông suốt.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()