Nhiều yếu tố ngăn cản đà tăng của giá vàng ở trong nước
Nhiều yếu tố được nhận định ngăn đà tăng của giá vàng; trong đó, giá vàng sẽ chịu áp lực lớn từ việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn để kiềm chế lạm phát.
Trong khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước cũng chứng kiến tuần giao dịch lình xình quanh mốc 70 triệu đồng/lượng.
Tới đây, nhiều yếu tố được nhận định ngăn đà tăng của giá vàng; trong đó, giá vàng sẽ chịu áp lực lớn từ việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn để kiềm chế lạm phát.
Tại thị trường Hà Nội, đóng cửa giao dịch cuối tuần 14/5, giá vàng SJC được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,55-69,57 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 250 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng trong nước liên tục bám sát giá vàng thế giới từ mở cửa ngày giao dịch đầu tuần 9/5, với nhiều phiên tăng giảm đan xen. Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước đã được điều chỉnh giảm 850 nghìn đồng/lượng.
Cùng đó, giá vàng thế giới đã giảm hơn 1% vào ngày 13/5 và kéo dài chuỗi giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp, khi đồng USD mạnh cùng viễn cảnh Mỹ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới đã làm giảm nhu cầu đối với kim loại quý này.
Giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.808,89 USD/ounce vào lúc 0 giờ 54 phút sáng 14/5 theo giờ Việt Nam sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 4/2 là 1.798,86 USD/ounce vào cùng phiên. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tháng 6/2022 cũng mất 0,9% xuống còn 1.808,20 USD/ounce.
Với mức mất điểm gần 1% trong phiên này, giá vàng thế giới đã giảm 3,9%, đánh dấu mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 18/6/2021.
Một yếu tố đè nặng lên giá vàng là việc chỉ số đồng USD, được coi là thước đo “sức khỏe” của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đã tăng tuần thứ 6 liên tiếp và dao động gần mức cao nhất trong 20 năm.
Ngoài ra, nhà phân tích cấp cao Jim Wycoff của Chuyên trang về Thị trường vàng Kitco cho biết thị trường chứng khoán toàn cầu đã phục hồi vào cuối tuần cũng là một yếu tố tiêu cực đối với kim loại trú ẩn an toàn này.
Theo ông David Meger, Giám đốc Giao dịch kim loại tại Công ty Dịch vụ tài chính High Ridge Futures, giá vàng sẽ còn chịu áp lực lớn từ việc Fed cam kết tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn để kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ 5 tuần này cho biết “cuộc chiến” kiểm soát lạm phát sẽ mang tới “một số nỗi đau” cho nền kinh tế, chủ yếu vì tác động của lãi suất cao hơn. Ông Meger nhận định trong thời gian tới, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ các số liệu lạm phát để xác định hướng đi của Fed.
Trong một ghi chú hàng tuần mới nhất, Nhà kinh tế trưởng Peter Cardillo tại Công ty Môi giới đầu tư Spartan Capital Securities đã viết, giá vàng tiếp tục giảm xuống phạm vi trung bình 1.800 USD/ounce. Điều này cho thấy vẫn có hy vọng về một sự phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của kim loại quý này.
Chuyên gia Cardillo cũng cho biết mục tiêu giá ngắn vàng hạn là 1.850- 1.905 USD/ounce sau khi viện dẫn các yếu tố ủng hộ gồm lạm phát phi mã và bất ổn địa chính trị.
Mặc dù vậy, nhà phân tích thị trường cấp cao Alex Kuptsikevich tại Công ty Môi giới giao dịch FxPro lưu ý, giá vàng hôm thứ 5 đã giảm xuống dưới đường trung bình động 200 ngày, vốn là một yếu tố bất lợi cho kim loại quý này. Tình hình sụt giá hiện tại trên thị trường vàng yêu cầu giới chuyên gia phải theo dõi sát những diễn biến tiếp theo.
Tuy nhiên, vàng vẫn có khả năng đảo chiều tăng giá từ các mức hiện thời. Nếu kịch bản đó xảy ra, đó sẽ báo hiệu về một “làn sóng” tăng trưởng dài hạn mới. Trong trường hợp này, chuyên gia của FxPro dự báo mục tiêu giá tiềm năng của vàng có thể quanh ngưỡng 2.500 USD/ounce./.
Ý kiến ()