Nhiều ý kiến tâm huyết về điều hành, chỉ đạo nền kinh tế
Những giải pháp hiệu quả thúc đẩy sản xuất, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, giải quyết những vấn đề xã hội là nội dung quan trọng được nhiều đại biểu QH tập trung thảo luận trong phiên họp tại tổ ngày 22-5.
– Những giải pháp hiệu quả thúc đẩy sản xuất, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, giải quyết những vấn đề xã hội là nội dung quan trọng được nhiều đại biểu QH tập trung thảo luận trong phiên họp tại tổ ngày 22-5.
Trong đó các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết về tập trung chỉ đạo điều hành nền kinh tế trong thời gian tới.
Các đại biểu QH đã tập trung thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013 và Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Báo cáo bổ sung của Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc cho biết: Trong bốn tháng đầu năm 2013, Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đạt được kết quả bước đầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,89%, đạt mục tiêu đề ra. Một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng khá; hàng tồn kho giảm dần. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhất là sản xuất lúa gạo, khai thác hải sản… Mặc dù kinh tế – xã hội bốn tháng đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu, nhưng còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, Chính phủ xác định sáu giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Theo ý kiến của nhiều ĐBQH, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cần nhìn nhận thẳng thắn vào những mặt chưa được còn tồn tại của nền kinh tế để tìm ra hướng đi hiệu quả.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng hiện nay là không phù hợp, chủ yếu nặng về lấy tài nguyên và khoáng sản để tăng trưởng nền kinh tế, khi có sự cạnh tranh khốc liệt nền kinh tế bị bộc lộ những yếu kém. Ngoài ra, cách quản lý nền kinh tế hiện nay cũng chưa phù hợp, công tác phối hợp giữa các bộ ngành không cao, những giải pháp ổn định và phát triển nền kinh tế đã đưa ra chưa thể kết hợp được với nhau để cùng phát huy hiệu quả, những vấn đề sai phạm về xây dựng cơ bản, sai phạm ở các tập đoàn kinh tế không được giải quyết hiệu quả. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, cần gắn Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết trung ương 6 để sắp xếp lại nguồn lực lãnh đạo góp phần hiệu quả vào việc điều hành đất nước và doanh nghiêp.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng cần đẩy nhanh cấu trúc nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới để củng cố lòng tin trong nhân dân và doanh nghiệp thì mới thành công trong phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.
Theo đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa – Vũng Tàu), nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang cứu cả nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Do đó, Chính phủ cần quan tâm đến lĩnh vực này, nhất là nông dân, bởi trên thực tế nông dân đang là lực lượng yếu thế vì chưa có những chính sách để bảo vệ nông dân. Hiện nay, người nông dân không có khả năng tái đầu tư, điều đó làm cho lĩnh vực kinh tế này suy yếu.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Thuận Hữu, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) yêu cầu chính phủ xem xét, đánh giá lại về vấn đề nông nghiệp trong báo cáo. Số liệu cho thấy nông nghiệp hiện nay đang bị hụt hơi, suy giảm. Cần xem xét chính sách thu tạm trữ lúa cho nông dân, chương trình này đang tồn tại nhiều bất cập, phụ thuộc hệ thống thương lái, không kiểm soát được thương lái ép giá. Người nông dân không được hưởng lợi nhiều từ chương trình này. Chính phủ cần khảo sát hiệu quả của chương trình, có những điều chỉnh để chương trình thực sự giúp ích cho người nông dân. Đồng thời cần có thêm những chính sách hỗ trợ nông dân, có hàng rào pháp lý để bảo vệ nông sản trong nước trước sự nhập khẩu nông sản giá rẻ từ nước ngoài. Có giải pháp mạnh mẽ trong giải phóng hàng tồn kho. Việc thúc đẩy tái cơ cấu nề kinh tế như hiện nay là không đạt yêu cầu về tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra, đặc biệt tái là trong tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã thực hiện khá tốt những chỉ tiêu như: lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô… Một số vấn đề dư luận quan tâm như thủy điện Sông Tranh đã được các cơ quan hành pháp và Chính phủ vào cuộc nhanh. Song bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan điều hành chưa ăn khớp khiến hiệu quả đầu tư công chưa cao. Chính phủ quy trách nhiệm cá nhân chưa rõ ràng khiến sai phạm nảy sinh. Vì vậy, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật để có những đánh giá chính xác.
Theo Nhandan
Ý kiến ()