Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đóng góp vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Các đại biểu dự hội nghị phản biện tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn
– Sáng 13/4, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hội nghị có sự tham dự của 3.899 đại biểu ở điểm cầu 63 tỉnh, thành phố và Ban công tác phía Nam của Ủy banTrung ương MTTQ Việt Nam.
Các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ban chuyên môn, các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh, các hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn và 8 xã, phường trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện trên địa bàn, kể từ khi khai trương hệ thống truyền hình trực tuyến ngày 17/3/2022 đến nay.
Trong chương trình, đại diện Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, dự thảo luật có 7 chương, 74 điều, gồm các nội dung chính: những quy định chung; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; thanh tra Nhân dân; trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Tiếp đó, đại biểu ở các điểm cầu đã nêu 15 ý kiến phản biện về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tập trung vào các nội dung như: sự phù hợp giữa mục đích, quan điểm, phương pháp tiếp cận xây dựng luật với quan điểm của Đảng; phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nguyên tắc thực hiện dân chủ trong dự thảo luật; tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo luật với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành.
Các đại biểu còn góp ý về bố cục, tiêu đề, thuật ngữ và nhiều nội dung khác trong dự thảo luật như: vai trò, trách nhiệm của các chủ thể nêu trong dự thảo luật; cơ chế để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ; các quy định thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…
Toàn bộ ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu đóng góp vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được đại diện Bộ Nội vụ giải đáp, tiếp thu tại hội nghị và sẽ được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp để gửi cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan xem xét.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()