Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp vào dự thảo Bộ luật Hình sự
LSO - Thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi), ngày 18/8/2015, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến được các cấp, ngành triển khai nghiêm túc. Phóng viên Báo Lạng Sơn ghi lại một số ý kiến như sau:
* Ông Nông Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: “Việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là cần thiết”
Xuất phát từ tình hình thực tế của nền kinh tế thị trường, một số tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như: hủy hoại môi trường, đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu, vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hộ lao động, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… Đây đều là những vi phạm nghiêm trọng, có tính chất nguy hiểm cao nhưng chưa được quy định là tội phạm. Trong khi đó, mức xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm của những hành vi này đối với xã hội.
Bên cạnh đó, việc xử lý hành chính đối với vi phạm của pháp nhân cũng gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong xác định, chứng minh vi phạm. Pháp nhân vi phạm cũng gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như không nhận được sự trợ giúp của người bào chữa, không được quyền xét xử theo hai cấp với một cơ quan tài phán độc lập…
Trong thực tế, các quyết định quan trọng trong hoạt động liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) đều được thông qua bởi tập thể (Hội đồng quản trị, tập thể Ban Giám đốc, tập thể lãnh đạo cơ quan…). Các cá nhân khi thực hiện các hoạt động của pháp nhân có nghĩa vụ phải tuân thủ, không được làm trái các quyết định đó. Thực tế xét xử cho thấy, khi xét xử các hành vi phạm tội là do thực hiện quyết định của tập thể, vì lợi ích của tập thể. Vì vậy, trong những trường hợp đó chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân là thiếu hợp lý, không công bằng.
Việc áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm pháp luật trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vật chất cũng như tinh thần do tội phạm gây ra. Áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ giúp cơ quan tiến hành tố tụng có quyền chủ động khởi tố vụ án hình sự, chứng minh và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể chịu trách nhiệm hình sự và quyết định việc bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, pháp nhân cũng có quyền bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho mình chứ không bị áp đặt một bên như khi áp dụng các chế tài hành chính. Áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ đảm bảo sự công bằng và tính thống nhất của pháp luật đối với cá nhân và pháp nhân trong xử lý tội phạm.
* Bà Hà Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ: “Nên quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội”
Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà chỉ quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Cụ thể là khiển trách (Điều 91), hòa giải tại cộng đồng (Điều 92), giám sát, giáo dục tại gia định hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (Điều 93).
Bổ sung quy định nêu trên là cần thiết nhằm thực hiện tốt chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Việc bổ sung các quy định này nhằm khắc phục bất cập của quy định hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Vì đây là những đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý, khả năng nhận thức còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập, thiếu khả năng tự kiềm chế và dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ…Vì vậy, cần tạo điều kiện để họ có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm. Việc bổ sung quy định này cũng góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
* Đại tá Vũ Hồng Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn: “Hình phạt trục xuất vừa có thể áp dụng là hình phạt chính, vừa có thể là hình phạt bổ sung”
Vấn đề xử lý người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có những đặc thù riêng, liên quan trực tiếp đến đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, công tác đảm bảo an ninh quốc gia. Trong các hình phạt được áp dụng đối với người nước ngoài có hình phạt trục xuất. Nội dung này hiện có 2 loại ý kiến. Thứ nhất: giữ nguyên theo quy định hiện hành là hình phạt trục xuất vừa có thể áp dụng là hình phạt chính, vừa có thể là hình phạt bổ sung. Thứ hai: đề nghị áp dụng hình phạt này với tư cách là hình phạt bổ sung.
Qua nghiên cứu, tôi đồng tình với ý kiến thứ nhất. Vì một hành vi phạm tội bao giờ cũng phải chịu một hình phạt chính và có thể phải chịu một hoặc một số hình phạt bổ sung (khoản 3, Điều 32 Bộ luật Hình sự sửa đổi). Trên thực tế, nhiều trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì việc áp dụng các hình phạt như: cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn… chưa đến mức cần thiết hoặc không có lợi nên phải áp dụng các biện pháp khác như: cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất. Nếu chỉ quy định trục xuất là hình phạt bổ sung sẽ rất khó thực hiện trong thực tiễn. Ví dụ có trường hợp nếu áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, phạt bổ sung là trục xuất trong khi đó người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội không có khả năng về tài chính, không chấp hành được hình phạt tiền thì sẽ khó khăn trong việc thi hành án (thời hạn trục xuất là 15 ngày kể từ khi có quyết định thi hành án). Do đó, trong những trường hợp này phải áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt chính mới có khả năng thi hành. Vì vậy, cần phải giữ nguyên theo quy định hiện hành là hình phạt trục xuất vừa có thể áp dụng là hình phạt chính, vừa có thể là hình phạt bổ sung để đáp ứng yêu cầu về chính trị, đối ngoại, đảm bảo an ninh quốc gia và tạo điều kiện cho tòa án áp dụng một cách linh hoạt trong xét xử.
Bài, ảnh: Nông Minh Thảo
Ý kiến ()