Nhiều vướng mắc trong thực hiện Nghị định 39
(LSO) – Nghị định 39/2015/NĐ/CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) khi sinh con đúng chính sách dân số. Sau hơn 5 năm triển khai, việc thực hiện nghị định này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo Nghị định 39, phụ nữ người DTTS thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con.
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết: Nghị định 39 ra đời góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế vẫn còn một vài quy định không khả thi. Cụ thể, ở điểm 6, Ðiều 1 của Nghị định quy định các trường hợp được hỗ trợ nêu rõ: “Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận”. Quy định này vô hình chung đã làm khó người dân. Bởi thực tế, để có được xác nhận của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Trung ương không dễ bởi thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức nên nhiều trường hợp không thực hiện được, nhất là đối với hộ nghèo DTTS ở vùng sâu, vùng xa.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Bình tuyên truyền chính sách dân số – kế hoạch hoá gia đình cho hội viên phụ nữ xã Thống Nhất
Một quy định khác của Nghị định 39/2015/NÐ-CP cũng rất khó thực hiện. Ðó là tại điểm 3, Ðiều 2 của nghị định quy định: “Ðối tượng thụ hưởng phải tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ”. Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, từ khi thực hiện nghị định đến nay, trong 2.968 trường hợp nhận kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/người, đã có 42 trường hợp vi phạm cam kết, nhưng hiện nay chỉ thu hồi kinh phí được 30 trường hợp, 12 trường hợp còn lại không thể thu hồi do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Anh Hoàng Văn Tạ, Phó Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Văn Quan cho biết: Tại huyện Văn Quan qua rà soát có 633 trường hợp thuộc diện được hưởng chính sách và 362 trường hợp đã được nhận kinh phí. Tuy nhiên, đã có 8 trường hợp vi phạm chính sách dân số và hiện nay đã thu hồi được 6 trường hợp vi phạm, 2 trường hợp không thể thu hồi được do hoàn cảnh gia đình khó khăn, số tiền được hỗ trợ thì họ đã chi tiêu hết. Chúng tôi chưa biết xử lý những trường hợp này như thế nào.
Ông Nguyễn Quang Bằng cho biết thêm: Vấn đề khó nữa là kinh phí ngân sách Nhà nước cấp để hỗ trợ cho các đối tượng. Từ năm 2015 đến năm 2019, đã có hơn 6,6 tỷ đồng kinh phí được cấp bao gồm cả nguồn kinh phí trung ương và địa phương. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH, từ năm 2017, các địa phương tự cân đối ngân sách để chi trả cho các đối tượng. Các huyện trên địa bàn tỉnh đã lập dự toán nhưng không được cấp kinh phí với lý do không có nguồn (chỉ có huyện Hữu Lũng đã lập dự toán và thanh toán hết cho các đối tượng được thụ hưởng từ năm 2015 đến 2019). Chính vì vậy, số đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách chênh lệch quá cao so với đối tượng đã được nhận kinh phí. Theo thống kê của ngành dân số, sau khi rà soát, kiểm tra, giai đoạn 2015 – 2019, toàn tỉnh có 5.056 trường hợp thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 39 nhưng chỉ có 2.968 đối tượng đã được nhận kinh phí. Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn, đối tượng thuộc diện hưởng chính sách này khá nhiều, vì vậy, rất mong cấp, ngành ở trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đảm bảo chính sách của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.
Nghị định 39 là chính sách thiết thực góp phần động viên các gia đình DTTS là hộ nghèo thực hiện đúng chính sách dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trước nhiều khó khăn, vướng mắc, Chi cục DS – KHHGĐ đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất Vụ Pháp chế – Thanh tra Tổng cục DS-KHHGĐ để kiến nghị Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 39 cho phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Bên cạnh đó, để Nghị định 39 thật sự mang lại hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dân số trên địa bàn.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()