Nhiều vướng mắc trong thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP
Chiều 30/6, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều có chung nhận định, một số quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã gây không ít trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp trong thông quan, quy trình đưa sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn ra thị trường,…Cụ thể, trong công tác kiểm nghiệm, doanh nghiệp gửi mẫu sản phẩm đến các phòng kiểm nghiệm được chỉ định; sau khi tiến hành kiểm nghiệm đạt chất lượng, doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tiếp đến, doanh nghiệp nộp cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng; Cục An toàn thực phẩm thẩm xét giấy tờ, cấp giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Sau đó, công tác hậu kiểm với cơ quan quản lý đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.
Với quy trình trên, các đại biểu cho rằng, còn bất cập ở giai đoạn trung gian, không có tác dụng tăng cường và đảm bảo an toàn thực phẩm, bởi cục An toàn thực phẩm không kiểm tra cơ sở sản xuất cũng như thực tế sản phẩm mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu đã nộp dẫn đến tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước và doanh nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng pháp chế VCCI, một số thủ tục hành chính theo Nghị định 38 chưa hợp pháp và minh bạch dẫn đến những diễn giải khác nhau. Đồng thời, thời gian thực hiện thủ tục hành chính dài kèm theo rất nhiều thủ tục.
Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, Nghị định 38 yêu cầu cấp giấy xác nhận công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm là chưa phù hợp với Luật An toàn thực phẩm. Bởi với yêu cầu công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, hiện nay không có trong Luật An toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, ngay trong hồ sơ, thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và xác nhận công bố, nhiều điểm chưa phù hợp. Hồ sơ tiếp nhận hợp quy trong Nghị định 38 có các mục quy định còn chênh so với luật quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cùng với đó, trong Nghị định 38, có nhiều quy định chung chung như: sửa theo các quy định của pháp luật, sửa nhãn cho phù hợp. Tuy nhiên, điều băn khoăn ở đây, như thế nào là “phù hợp”, như thế nào là “theo quy định của pháp luật”. Điều nay có nghĩa là trao quyền diễn giải cho cán bộ thực thi rất lớn. Vì vậy, để tránh sự nhũng nhiễu, theo ông Đậu Anh Tuấn, Nghị định sửa đổi trong thời gian tới rất cần được quy định minh bạch.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, quy định công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Nghị định 38 là quy định ngoài Luật An toàn thực phẩm. Thực tiễn cho thấy việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm không có tác dụng tăng cường hiệu quả quản lý. Vì vậy, đề nghị bãi bỏ quy định này và thay thế bằng hình thức khác phù hợp pháp luật hiện hành.
Trong thủ tục công bố sản phẩm, một công việc tốn nhiều chi phí và thời gian kiểm nghiệm. Theo dự thảo Nghị định thì dù là tự công bố, doanh nghiệp vẫn phải tiến hành kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định, nghĩa là về cơ bản, việc công bố trên cơ sở chứng nhận hợp quy. Vì vậy, đề nghị quy định, trường hợp doanh nghiệp tự công bố thì việc cần kiểm nghiệm hay không là do doanh nghiệp quyết định. Nếu doanh nghiệp có cơ sở để tin rằng sản phẩm đáp ứng quy chuẩn Việt Nam và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sản phẩm không đáp ứng quy định của pháp luật thì không nhất thiết phải kiểm nghiệm./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()