Nhiều vướng mắc trong thi hành án dân sự
Công tác thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, làm cho bản án, quyết định của tòa án được chấp hành trong thực tiễn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau như liên quan đến vấn đề kê biên tài sản, xử lý tài sản đồng sở hữu… nên công tác THADS vẫn gặp những khó khăn nhất định.
Theo số liệu của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) về kết quả THADS, trong năm 2021, ngành THADS đã thi hành xong 493.971 việc, đạt tỷ lệ 75,81%. Thi hành được 455/944 bản án, quyết định, đang tiếp tục thi hành 489 bản án còn lại. Bên cạnh đó, Tổng cục THADS đã thành lập 15 đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất, toàn diện và chuyên đề thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ; xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, bán đấu giá tài sản thi hành án, trình tự, thủ tục thi hành án…
Khu đất Công ty Ánh Bình Minh làm hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty Bình Minh đang được cho thuê để kinh doanh chế tác đá. |
Có thể thấy rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức THADS, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng án tồn đọng, khó xử lý. Điển hình như vụ hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Út ở thôn Xuân Sơn, xã An Thắng (huyện An Lão, TP Hải Phòng) theo đuổi vụ kiện, gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa đòi được quyền lợi của mình. Cụ thể: Ngày 2-8-2009, ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh (Công ty Bình Minh) có địa chỉ tại xã An Thắng, huyện An Lão ký hợp đồng và làm thủ tục thuê quyền sử dụng đất với Công ty Cổ phần Ánh Bình Minh (Công ty Ánh Bình Minh) có địa chỉ tại xã An Tiến, huyện An Lão do ông Nguyễn Thế Nguyên làm giám đốc. Theo đó, Công ty Ánh Bình Minh cam kết nhượng lại cho Công ty Bình Minh 30.000m2 đất tại điểm tiếp giáp giữa xã An Tiến và xã Trường Thành (huyện An Lão) mà Công ty Ánh Bình Minh đang thuê. Sau khi ký hợp đồng, ông Nguyễn Thế Nguyên đã nhận của Công ty Bình Minh số tiền gần 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, bằng nhiều lý do trì hoãn, ông Nguyễn Thế Nguyên không chịu giao đất, buộc Công ty Bình Minh phải khởi kiện ra tòa. Qua hai cấp tòa xét xử, gồm Tòa án Nhân dân huyện An Lão và Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng đều tuyên Công ty Ánh Bình Minh phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm giữ và bồi thường cho Công ty Bình Minh với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Quyết định của hai phiên tòa được Chi cục THADS huyện An Lão tiếp nhận và thực thi. Thế nhưng cho đến nay, việc thi hành án vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân là sau khi tiến hành xác minh, các ban, ngành thấy rằng, Công ty Ánh Bình Minh không hoạt động, không còn tài sản thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Hay một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Tư vấn, xây lắp và Thương mại Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) ở số 1, ngõ 390 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội khởi kiện Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Long (Công ty Thành Long) ở tầng 8, tòa nhà Kim Hoàn, lô D14, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Theo đó, ngày 9-9-2016, Công ty Thành Long ký Hợp đồng giao khoán số 33/HĐGK đồng ý giao cho Công ty Hồng Hà thi công hạng mục cầu Yên Lãng, thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh-Uông Bí. Giá trị hợp đồng là 4,38 tỷ đồng. Đến tháng 12-2017, công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên quá trình thanh toán, Công ty Thành Long thường xuyên vi phạm điều khoản thanh toán, tính đến ngày 19-8-2019 Công ty Thành Long vẫn nợ Công ty Hồng Hà hơn 1,1 tỷ đồng. Tại phiên hòa giải ngày 10-7-2019, Công ty Hồng Hà chấp nhận rút một phần yêu cầu khởi kiện và yêu cầu Công ty Thành Long phải trả ngay các khoản tiền của Hợp đồng giao khoán số 33/HĐGK và tiền nợ cũ, tổng số hơn 946 triệu đồng. Qua hai cấp tòa xét xử của Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã quyết định Công ty Thành Long phải trả cho Công ty Hồng Hà số tiền hơn 946 triệu đồng. Tuy nhiên từ tháng 6-2020 đến nay, bản án vẫn chưa được thi hành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Hồng Hà cho biết: “Mặc dù qua hai cấp tòa đều xử Công ty Thành Long phải trả cho chúng tôi tổng số tiền hơn 946 triệu đồng, tuy nhiên, gần hai năm trôi qua, bản án vẫn chưa được thi hành. Do bị nợ nên công ty phải nợ ngân hàng lên nhóm 3, nhóm 4, khiến chúng tôi bị thiệt hại nặng nề về lãi quá hạn, uy tín, tín dụng cho các công việc tiếp theo”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình THADS ở các địa phương cũng gặp những khó khăn không dễ giải quyết. Theo số liệu của Cục THADS tỉnh Nam Định, trong năm 2021, toàn tỉnh có 6.802 việc phải thi hành án. Trong đó số vụ việc có điều kiện thi hành là 5.965 vụ việc (chiếm 87,69%); số chưa có điều kiện thi hành là 837 vụ việc (chiếm 12,31%). Trong số vụ việc có điều kiện thi hành, Cục THADS tỉnh Nam Định đã thi hành xong 5.135 vụ (đạt tỷ lệ 86,09%). Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Việt Cường, Chánh Văn phòng Cục THADS tỉnh Nam Định cho biết: Trong quá trình THADS, các cơ quan thi hành án cũng gặp những khó khăn như: Việc giải quyết những vụ việc có điều kiện thi hành, có giá trị lớn ở một số nơi còn chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp. Một số quy định của pháp luật về THADS và các quy định có liên quan còn chưa thống nhất, không còn phù hợp với thực tế hoặc chồng chéo nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của các đối tượng phải thi hành án khó khăn nên ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thi hành. Ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải thi hành án còn hạn chế, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, lợi dụng quyền khiếu nại nhằm mục đích trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án…
Để bảo đảm cho việc thi hành được các bản án, luật sư Nguyễn Thu Anh, Công ty Luật Bảo Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) kiến nghị, thời gian tới cần xem xét lại các quy định như: Người được thi hành án phải chứng minh người phải thi hành án có tài sản, có tài khoản để thi hành, đây không phải là việc dễ dàng, bởi để chứng minh có tài sản thì phải liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác minh về tài sản, nhưng nhiều cơ quan nhà nước không hỗ trợ.
Hoặc như chứng minh trong tài khoản người phải thi hành án có tiền thì phải cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, công an mới có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin. Điều luật này cần được sửa đổi, trong đó cơ quan thi hành án có nghĩa vụ xác minh tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Ngoài ra, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tòa án cần ra các quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm thi hành án khi đương sự có yêu cầu, như vậy mới bảo đảm có tài sản để thi hành án.
Ý kiến ()