Nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng ở A-rập Xê-út
Làn sóng biểu tình đang lan rộng ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Những người biểu tình chủ yếu là thanh niên, sinh viên, lực lượng đông đảo ở thế giới A-rập phải đối mặt tỷ lệ thất nghiệp cao. A-rập Xê-út cũng nằm trong làn sóng biểu tình đó bởi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng ở một trong những quốc gia vào loại giàu nhất thế giới này.Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng ở A-rập Xê-út xuất phát từ nhiều bất cập của ngành giáo dục nước này, bởi chưa đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.A-rập Xê-út chiếm hơn một phần năm trữ lượng dầu mỏ toàn cầu và nhờ giá dầu tăng cao, nước này đã tăng gấp ba lần dự trữ ngoại tệ, tới hơn 400 tỷ USD kể từ năm 2005. Tuy nhiên, trái với tiềm lực kinh tế, ngành giáo dục của nước này bị các chuyên gia đánh giá chất lượng còn thấp. Nền giáo dục chủ yếu nặng về tôn giáo và tiếng A-rập. Trong khi những người tuyển dụng trên thị trường...
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng ở A-rập Xê-út xuất phát từ nhiều bất cập của ngành giáo dục nước này, bởi chưa đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.
A-rập Xê-út chiếm hơn một phần năm trữ lượng dầu mỏ toàn cầu và nhờ giá dầu tăng cao, nước này đã tăng gấp ba lần dự trữ ngoại tệ, tới hơn 400 tỷ USD kể từ năm 2005. Tuy nhiên, trái với tiềm lực kinh tế, ngành giáo dục của nước này bị các chuyên gia đánh giá chất lượng còn thấp. Nền giáo dục chủ yếu nặng về tôn giáo và tiếng A-rập. Trong khi những người tuyển dụng trên thị trường lao động luôn phàn nàn rằng, các trường đại học ở đây cho 'ra lò' những sinh viên không có kiến thức về máy tính và luôn phải 'đánh vật' với tiếng Anh. A.Xa-ét, một thanh niên sống ở A-rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, nhưng phải đối mặt một viễn cảnh nghèo khó bởi khó có thể tìm một công việc ổn định. Xa-ét đổ lỗi cho giáo dục về tương lai mờ mịt của mình. Người thanh niên này cho biết, em đi học ở một ngôi trường toàn học sinh nam thuộc cảng Gie-đa bên bờ Biển Đỏ và ở trường các em chỉ được học toàn lý thuyết, mà không có thực hành để có thể chuẩn bị đủ kỹ năng cần thiết giúp cho việc tìm kiếm công việc trên thị trường lao động. Nỗi lo của Xa-ét cũng là nỗi niềm chung của nhiều sinh viên, học sinh ở nước này. Để đối mặt tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, sinh viên ở đây phải tự học sử dụng in-tơ-nét.
Trong nỗ lực cải cách nhằm xây dựng một nhà nước hiện đại và thực hiện đa dạng hóa nền kinh tế ngoài dầu mỏ để tạo thêm việc làm, sáu năm trước đây, Quốc vương A-rập Xê-út Áp-đu-la đã phát động chương trình rà soát lại trường học các cấp của Nhà nước. Những người A-rập có tư tưởng cải cách bày tỏ lạc quan khi lần đầu Quốc vương Áp-đu-la công bố những thay đổi trong giáo dục. Ông đã phát động sáng kiến 'Ta-tuê', tiếng A-rập là 'Phát triển', trị giá 2,4 tỷ USD năm 2005 với cam kết cải cách phương pháp dạy học, tập trung vào các môn khoa học và đào tạo nâng cao trình độ cho 500 nghìn giáo viên. Ông nhấn mạnh, việc cung cấp cho giới trẻ một nền tảng giáo dục tốt hơn là nhiệm vụ trung tâm của kế hoạch này, nhằm xây dựng Nhà nước hiện đại và chống chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Kể từ đó, số trường đại học tư nhân và nhà nước phục vụ 300 nghìn học sinh trung học ở Vương quốc này đã tăng từ tám trường trước năm 2005 lên 32 trường. Chính phủ đã cấp học bổng cho hơn 100 nghìn học sinh để đi du học tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Trong hai năm, các trường tiểu học và trung học cơ sở thay đổi sách toán và khoa học mới theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của trung tâm nghiên cứu Khoa học và Toán học quốc tế (TIMSS), A-rập Xê-út chỉ xếp thứ 93 trong 129 nước theo chỉ số năm 2008 của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) về chất lượng giáo dục. Các chuyên gia cho rằng, không có sự cải thiện đáng kể về tiêu chuẩn giáo dục ở nước này trong bốn năm qua.
70% trong số 19 triệu dân A-rập Xê-út ở tuổi dưới 30. Vương quốc này là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng dân số cao nhất khu vực, người dân nước này không thể dễ dàng tìm một việc làm. Bộ trưởng Lao động A.Pha-ki-e cho biết, chính phủ hy vọng sẽ tạo năm triệu việc làm cho người dân nước này từ nay tới năm 2030, trong khi thực tế tỷ lệ thất nghiệp của A-rập Xê-út vẫn gia tăng, tới 10% năm 2010. Tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp tăng gấp ba lần. Ngược lại với thế hệ trước đây, hiện có thể thấy người A-rập Xê-út lái ta-xi, làm thu ngân ở siêu thị hoặc vệ sĩ tư nhân với mức lương khoảng 400 USD/tháng. Điều này sẽ không thể thấy mười năm trước đây. Theo các chuyên gia nước ngoài, có khoảng cách lớn giữa yêu cầu của các công ty tư nhân với việc đào tạo tại các trường học. Vì vậy, các công ty thích tuyển chuyên gia nước ngoài tới làm việc, thay vì nhân viên người địa phương. Số người nước ngoài làm việc ở A-rập Xê-út tăng 37%, lên 8,4 triệu người trong sáu năm qua. Người nước ngoài chiếm chín trong mười việc làm thuộc lĩnh vực tư nhân. Việc thu hẹp khoảng cách này được hy vọng bằng việc đưa sinh viên ra học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, tuy nhiên, nhiều người sau khi du học lại không muốn trở về làm việc trong nước. Ảnh hưởng của chất lượng giáo dục chưa cao là nguyên nhân gây lo ngại đẩy hàng triệu thanh niên A-rập Xê-út thất nghiệp đến tư tưởng cực đoan. Đó cũng là một trong những lý do khiến có thời gian những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan ở nước này gia tăng hoạt động. 15 trong số 19 kẻ khủng bố tiến công nước Mỹ trong vụ ngày 11-9-2001 là người A-rập Xê-út. Từ năm 2003 đến năm 2006, các cuộc tiến công của những tay súng Hồi giáo liên quan An Kê-đa gia tăng hoạt động khiến Chính phủ A-rập Xê-út phải tiến hành chiến dịch lớn truy quét khủng bố. Năm ngoái, 172 người A-rập Xê-út có quan hệ với An Kê-đa bị bắt giữ, chứng tỏ các nhóm Hồi giáo vẫn tiếp tục tuyển mộ thêm các tay súng để hoạt động ở nước này. Và mới đây, bên cạnh những vấn đề xã hội nóng bỏng khác, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ giáo dục, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng là lý do khiến nhiều sinh viên ở A-rập Xê-út xuống đường tham gia các cuộc biểu tình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()