Nhiều vấn đề xã hội bức xúc cần phải giải quyết
Bên cạnh những ý kiến thảo luận thể hiện quan tâm về “sức khỏe” nền kinh tế thì vấn đề y đức, giá thuốc; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và người lao động còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao... là những vấn đề xã hội bức xúc được đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tại tổ ngày hôm nay (22/5).
Bên cạnh những ý kiến thảo luận thể hiện quan tâm về “sức khỏe” nền kinh tế thì vấn đề y đức, giá thuốc; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và người lao động còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao… là những vấn đề xã hội bức xúc được đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tại tổ ngày hôm nay (22/5).
Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ ngày 22/5. (Ảnh: KT) |
Ngày hôm nay, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại tổ về bản Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 của Chính phủ trình Quốc hội ngày 20/5. Bên cạnh việc đánh giá nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, các Đại biểu (ĐB) cũng chỉ ra nhiều chính sách xã hội được ban hành khiến dư luận không đồng tình, phản ứng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) nêu ví dụ chính sách bảo hiểm y tế, buộc người đi khám chữa bệnh phải theo đúng tuyến, từ cấp cơ sở lên. Nhưng hiện nay các cơ sở y tế cấp dưới chất lượng không bảo đảm, người dân không yên tâm, nên cử tri gọi chính sách đó là áp đặt. “Cử tri hỏi, nếu khám theo tuyến, mà ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ai sẽ chịu trách nhiệm? Do cái gì, do năng lực, do con người, mà lại đẩy cái khó về cho người dân? Câu hỏi này tôi cũng không trả lời được!” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ.
ĐB Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh) bổ sung “Về chính sách khiến dư luận phản ứng cần nhắc lại dự thảo quy định mới đây là xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng khi không quản lý được cũng không được nhân dân đồng tình”.
Đánh giá Báo cáo của Chính phủ chưa dành nhiều sự quan tâm cho các vấn đề xã hội, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng cần xem xét lại một số tiêu chí, chỉ tiêu về giảm nghèo, về giáo dục, y tế, văn hóa, nông thôn mới.
ĐB Nguyệt phân tích, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ giảm nghèo đạt cao nhưng cần xem xét tính ổn định và bền vững. Về chỉ tiêu nước sạch ở nông thôn, ĐB này cho rằng “chỉ tiêu này lúc nào cũng được đánh giá là đạt nhưng thực tế thì khác, có khu vực Sơn Tây (Hà Nội) hiện nay vẫn phải dùng nước ở sông” – ĐB Nguyệt nói.
ĐB Nguyệt cũng đề nghị xem xét chính sách về giáo dục mầm non, chất lượng giáo dục phổ thông, đặc biệt là vấn đề phân luồng.
Về công tác phòng chống lãng phí, ĐB Lê Thị Nguyệt đề nghị Chính phủ cần xem xét lại chủ trương chính sách về vấn đề này. Đại biểu nêu ví dụ có những con đường bỏ ra nhiều tiền để làm nhưng vừa làm xong đường thì ngành điện, cấp thoát nước, cáp quang lại đào ngay lập tức? Điều này có gây ảnh hưởng, thất thoát đến ngân sách không? Thêm vào đó là in ấn, xuất bản phẩm tràn lan không tính đến nhu cầu người dùng có tính là lãng phí không?”
ĐB Nguyệt cũng cho rằng cần phải xem xét vấn đề cải cách hành chính bởi Báo cáo của Chính phủ mới chỉ dành vài dòng đánh giá về công tác này. Theo ĐB Nguyệt, điều đáng lưu ý là việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm là căn bệnh “trầm kha” năm nào cũng được nhắc nhưng không thấy ai phải chịu trách nhiệm, không ai liên lụy.
Cũng đề cập tới vấn đề lãng phí, ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) nhấn mạnh đến việc lãng phí do đầu tư không đúng, “chi đầu tư vượt ngân sách cũng được nhưng phải hiệu quả, chứ có bệnh viện thực hiện xây trong 7 năm vẫn chưa xong là lãng phí tiền bạc, sức khỏe và tính mạng của người dân” – ĐB Quang nói.
Các đại biểu đồng tình đề nghị tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động theo quy định của pháp luật. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống chính sách giảm nghèo hợp lý hơn, tiếp tục nghiên cứu cơ chế phối hợp liên ngành hoặc giảm đầu mối quản lý để tránh chồng chéo, lồng ghép chính sách hiệu quả hơn, đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một cách thực chất và bền vững.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()