Nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm được giải trình, làm rõ
rong 2 ngày thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đã có gần 100 ý kiến phát biểu và tranh luận và có 6 Bộ trưởng giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo chương trình làm việc, Quốc hội dành thời gian 2,5 ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm quốc gia 2018-2020.
Trong 2 ngày qua đã có tới gần 100 ý kiến phát biểu và tranh luận và có 6 Bộ trưởng phát biểu, giải trình, làm rõ những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập, quan tâm.
Các đại biểu Quốc hội đã phân tích làm rõ, đóng góp nhiều ý kiến vào những kết quả đạt được, việc thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu, hạn chế, thuận lợi, khó khăn, thách thức, vướng mắc, nguyên nhân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan tư pháp, các đoàn thể chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Tình hình, tiến độ phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2017; kết quả thu, chi NSNN năm 2017; cân đối ngân sách năm 2017, nợ công, bội chi NSNN; tái cơ cấu ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công; các chính sách thu ngân sách, tình trạng hụt thu, nguyên nhân hụt thu, tình hình nợ đọng thuế; công tác quản lý thu, chi NSNN.
Các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; việc tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích, tạo cơ chế cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước; cải cách thể chế kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh; khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân tạo động lực cho nền kinh tế; phát triển hạ tầng giao thông. Các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Đồng thời các đại biểu cũng tập trung phân tích, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0.
Các giải pháp để bảo đảm dự toán thu NSNN năm 2018; tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu; khắc phục tình trạng nợ đọng thuế; đổi mới chính sách thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp; dự toán chi NSNN năm 2018 trong một số lĩnh vực; mức bội chi NSNN năm 2018…
Trước sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình về vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; việc dự báo, phòng, chống thiên tai; giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình các vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế 2017, chất lượng tăng trưởng; môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh của quốc gia; vấn đề đầu tư công…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình các vấn đề liên quan đến các giải pháp phát triển công nghiệp, thương nghiệp; về xử lý giải quyết 12 dự án thua lỗ và các dự án khác có khả năng phát sinh thua lỗ; công tác phòng chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng; phát triển hệ thống điện nông thôn…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm rõ những vấn đề về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu và thích ứng cơ chế thị trường; quản lý phân bón và chất lượng phân bón; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về công tác phòng chống dịch bệnh, củng cố hệ thống y tế cơ sở, quản lý bảo hiểm y tế; chính sách chi trả bảo hiểm y tế…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề thu chi ngân sách, bội chi NSNN…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, không khí phát biểu rất sôi nổi, toàn diện, chất lượng, có chiều sâu; tranh luận rất thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.
Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng ngày mai (2/11) để tiếp tục thảo luận về nội dung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong phiên thảo luận sáng 2/11, Đoàn Chủ tịch sẽ mời một Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng Chính phủ giải trình, tiếp thu các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()