Nhiều trí thức trẻ mong muốn về công tác tại các xã khó khăn
Phạm Văn Dũng (quê ở Hưng Yên), ứng viên của đề án 500 tại Kim Bôi, Hòa Bình chia sẻ: “Khi ứng tuyển tôi nghĩ nhiều hơn hết về sự khó khăn. Sau cùng, tôi vẫn chấp nhận hy sinh bữa cơm đầy đủ của mình cho bữa cơm no của các bạn trẻ vùng cao.”
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng công trình – ĐH Thủy lợi, Dũng làm giảng viên tại ĐH Công nghệ giao thông vận tải. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, Dũng nhận công tác tại Thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên, Dũng đã quyết định dừng lại tất cả để tập trung ôn tập kiến thức và hoàn thiện các thủ tục ứng tuyển. Hiện nay, Dũng đang đi dạy thêm và tập trung cho việc tham gia ứng tuyển đề án 500.
Có thể nói sau khi ra trường, Dũng hoàn toàn có thể có một công việc ổn định, có một “bữa cơm đầy đủ”, nhưng Dũng cho rằng mình thực sự quan tâm đến chương trình này, không chỉ bởi cơ hội mà còn vì niềm tinmình đang làm một việc thực sự ý nghĩa và đi một con đường đúng hướng.
“Tôi thực sự rất tin tưởng vào những chương trình quốc gia như thế này về hiệu quả cũng như tính minh bạch. Và cũng tin rằng có rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng tham gia những chương trình xã hội mà chưa nghĩ vội đến quyền lợi bản thân.” Dũng nói.
Khi được hỏi về lý do nộp đơn ứng tuyển về các địa phương khó khăn, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại thừa nhận việc chấp nhận làm việc tại những địa phương khó khăn thật sự là thách thức, nhưng đồng thời, cùng với các chính sách tốt đi kèm cũng sẽ là cơ hội, trải nghiệm thực tế cho bản thân. Thực tế từ đề án 600 đã được triển khai ở các địa phương và có được một số kết quả, đề án 500 đang trong giai đoạn tìm ứng viên đã cho thấy các bạn trẻ không đơn thuần chỉ là tìm kiếm một cơ hội hay một chỗ làm, mà còn có nguyện vọng đến với các địa phương nhiều khó khăn, đến với người dân nghèo…những nơi cần kiến thức và sức trẻ của họ.
Vũ Thị Hường cũng là một trong những ứng viên của đề án 500. Hường đã tốt nghiệp chuyên ngành Luật Tư pháp và xin ứng tuyển về với mong muốn được cống hiến cho địa phương và đáp ứng nhu cầu về pháp luật ngày một lớn của người dân.
Thực hiện Quyết định Số 1758/QĐ-TTg ngày 30-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 do Bộ nội vụ triển khai nhằm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về các xã thuộc vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để bố trí vào các chức danh công chức cấp xã. Theo đó, Đề án 500 sẽ thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về các xã thuộc vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để bố trí vào các chức danh công chức cấp xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thông qua hoạt động thực tiễn để đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ cho địa phương.
Quyết định phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn trí thức trẻ tham gia Đề án 500 cho 34 tỉnh với cơ cấu các chức danh như sau: Văn phòng-Thống kê: 114 người; Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng và Môi trường: 189 người; Tài chính-Kế toán 45 người; Tư pháp-Hộ tịch: 71 người; Văn hóa-Xã hội: 81 người.
Tới thời điểm này, đề án tuyển chọn 500 trí thức trẻ về làm công chức cấp xã nhận được nhiều bạn trẻ quan tâm và thu nhận được số lượng lớn hồ sơ ứng cử.
TS. Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết: Ngoài những trí thức có bằng đại học trong nước, rất nhiều bạn trẻ đang học tập nước ngoài, học cao học đã quan tâm và hỏi thông tin về đề án. “Nhiều bạn trẻ thậm chí đã không ngần ngại trực tiếp gõ cửa phòng vụ trưởng để hỏi thông tin” – ông chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến của Cổng thông tin chính phủ sáng 14-5, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang Sèn Chỉn Ly cho biết Hà Giang là tỉnh vùng biên giới khó khăn nhưng qua thực hiện đề án 600 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo đã cho thấy các bạn trẻ rất quan tâm đến việc về đây công tác. Đã có 16 trí thức trẻ ngoại tỉnh trúng tuyển chức vụ Phó chủ tịch xã trên địa bàn tỉnh. Với đề án 500 lần này, rất nhiều trí thức trẻ trên cả nước đã gọi điện trao đổi và đăng ký tham gia.
Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Nguyễn Xuân Dũng cho biết với đề án 600, Thanh Hóa đã tuyển được 60 trí thức trẻ trong số 637 hồ sơ ứng cử làm phó chủ tịch các xã. Còn đề án 500, mặc dù chỉ có 15 chỉ tiêu nhưng hiện nay đã có 758 hồ sơ.
Ông Sèn Chỉn Ly nhận xét ngoài nhu cầu việc làm cho bản thân, việc các tri thức trẻ quan tâm đến đề án cũng thể hiện nhiệt huyết cống hiến cho các vùng còn khó khăn, xã xôi của tổ quốc.
Thực tế, khi công tác tại các địa phương, các trí thức trẻ cũng gặp phải nhiều khó khăn không dễ khắc phục như quy trình làm việc còn trì trệ, lạc hậu, dân trí thấp, tuy nhiên sau ba năm triển khai đề án 600, các trí thức trẻ cũng đã được lãnh đạo địa phương thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực.
Theo TS. Vũ Đăng Minh, từ kinh nghiệm và kết quả ban đầu của đề án 600, có thể tin tưởng vào sự thành công của đề án 500 sẽ thực hiện trong thời gian tới. Sơ kết đề án 600 cho thấy các đa số các đội viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong số đó có 148 người được kết nạp đảng. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đến nay, có thể nói đội ngũ này đã có thể hòa nhập và làm việc tốt, chưa có đội viên đề án 600 nào bỏ cuộc.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ: “Thông qua quá trình thực hiện đề án 600, chúng tôi đã có quy chuẩn, đưa ra những quy định tuyển chọn chặt chẽ, bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan. Tôi tin rằng dự án này cũng sẽ đạt được kết quả tốt, bảo đảm mục tiêu đề ra.”
Ý kiến ()