Nhiều trẻ em ở Đác Lắc bị dụ dỗ lao động quá sức tại TP Hồ Chí Minh
Từ đầu năm 2014 đến nay, tại các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Lắc (tỉnh Đác Lắc), nhiều học sinh tiểu học, trung học cơ sở là người dân tộc thiểu số bỏ học, phần lớn các em bỏ học đều do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn.
Khi các ngành chức năng đến từng nhà để vận động các em đi học trở lại, mới phát hiện nhiều em đã bị các đối tượng môi giới đưa đi làm tại các cơ sở may mặc, giày da tại TP Hồ Chí Minh.
Một em gái người Ê Đê ở huyện Krông Bông gọi điện về nhà cầu cứu gia đình, vì phải làm việc quá sức trong một cơ sở may mặc, không được trả lương. Hay em Nguyễn Văn Nhân, ở huyện Krông Pách, tỉnh Đác Lắc hiện đang lao động tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) kể: Biết em có ý định đi làm nên một người đàn ông tên Thành (ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pách) tìm đến nhà và nói, có biết chỗ một doanh nghiệp may đang cần lao động.
Sau khi trao đổi, ông Thành nói với em và gia đình là nếu đồng ý đi làm thì chỉ cần đưa cho ông ấy chứng minh nhân dân (CMND) gốc. Lương tháng thử việc đầu tiên sẽ là 2,6 triệu đồng, từ tháng thứ hai là bốn triệu đồng trở lên.
Thấy công việc kiếm tiền có vẻ nhẹ nhàng nên gia đình đã đồng ý để em đi. Sau khi đưa cho ông Thành CMND, em được hướng dẫn là bắt xe xuống TP Hồ Chí Minh, cùng đi với em chuyến đó còn có bốn người ở xã Hòa Tiến (huyện Krông Pách, Đác Lắc). Có mặt tại TP Hồ Chí Minh, em được dẫn vào Công ty may C.P (đường số 4, khu phố 27, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân). Tại đây, em phải làm việc từ 7 giờ 30 phút sáng đến 18 giờ. Các ngày thứ 2, 4, 6, phải tăng ca nên những người lao động như em buộc phải làm theo quy định. Chủ nhật thì có khi làm, khi không.
Sau một tuần làm việc tại Công ty C.P, em cảm thấy rất mệt mỏi muốn nghỉ việc, về nhà. Tuy nhiên, vì trước khi xuống đây ông Thành nói nếu làm chưa được một tháng mà nghỉ việc thì em phải đóng 400 nghìn đồng để chuộc lại CMND. Vì không có tiền, lại sợ ba mẹ phải bỏ tiền để chuộc CMND, cho nên em đành chấp nhận tiếp tục làm việc cho đến khi lãnh lương. Ở đây, họ cứ nghĩ bọn em như một cái máy…
Từ những thông tin trên, qua xác minh của Công an huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc, lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự nhẹ dạ cả tin của một số gia đình ở các xã Yang Kang, Yang Reh, Ea Trul (huyện Krông Bông), từ đầu năm 2014, một số phụ nữ tên H'Yu Bdap (tên gọi khác Amí Han), H Wơi Bkrông, H Nơi Bkrong… (cùng trú buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đác Lắc) đã móc nối với một số chủ cơ sở may mặc tại TP Hồ Chí Minh, tuyển dụng đưa hàng chục trẻ em tại địa phương đi lao động trái phép. Khi dụ dỗ, họ vẽ ra viễn cảnh tươi sáng cho các em như lương cao, không phải lo tiền ăn, tiền xe, có người dẫn đi… Giới thiệu được một trường hợp thì chủ cơ sở sẽ trả công cho đối tượng môi giới từ 500 nghìn đến một triệu đồng. Đã có hàng chục học sinh tiểu học, trung học cơ sở là người dân tộc thiểu số bị môi giới, đưa đi làm việc tại các cơ sở may mặc, giày da tại TP Hồ Chí Minh.
Đa số các em là nữ, trong độ tuổi 9 – 16. Khi vào TP Hồ Chí Minh, các em bị các cơ sở sử dụng lao động ép làm việc từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, không có hợp đồng lao động. Các cơ sở sử dụng lao động chỉ thỏa thuận miệng sẽ trả lương 18 triệu đồng/người/năm với điều kiện các em không được bỏ về giữa chừng. Do bị vắt kiệt sức lao động, nhiều em muốn về quê nhưng không dám vì chủ không trả lương…
Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ, TB và XH tỉnh Đác Lắc) Từ Thị Khanh cho biết, theo nguyện vọng của gia đình và bản thân các em, thì hầu hết các em đều muốn về quê và tiếp tục tới trường. Trước tình hình này, tỉnh Đác Lắc đã có công văn gửi Sở LĐ, TB và XH thành phố Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp với các cơ quan khẩn trương kiểm tra, thanh tra các cơ sở sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, có hình thức xử phạt nghiêm khắc, bảo đảm quyền lợi cho các em, đồng thời tạo điều kiện đưa các em trở về địa phương an toàn. “Hiện các gia đình có con em đi lao động theo sự dụ dỗ của “cò” Amí Han đều rất lo lắng và mong muốn đưa con em trở về với gia đình”, bà Khanh cho biết thêm.
Theo thống kê của tỉnh Đác Lắc, từ đầu năm đến nay, có 85 trẻ em (từ 9 – 17 tuổi) tại các huyện Lắc, Krông Bông, Krông Pách đã bị dụ dỗ đưa vào TP Hồ Chí Minh để làm việc tại các xưởng may hoặc cơ sở kinh doanh. Các cơ quan ở TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện ba công ty may mặc và cơ sở kinh doanh đang sử dụng lao động trẻ em như đã nói ở trên. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có quyết định xử phạt hành chính về việc sử dụng lao động trẻ em trái phép; đề nghị thanh toán tiền công cho các em, tạo điều kiện để các em về với gia đình. Những trẻ em bị dụ dỗ phần lớn đều là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()