Nhiều tỉnh, thành phía Nam được mùa nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản
Tại các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau: năm 2011 là năm các tỉnh này "được mùa" nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. * Năm 2011, Bạc Liêu thu được sản lượng thủy sản là 251 ngàn tấn từ nuôi và khai thác biển, vượt mức kế hoạch 7%. Đây là năm đầu tiên sản lượng thủy sản của tỉnh thu được từ nuôi tôm và khai thác biển vượt mốc 200 ngàn tấn/năm; trong đó sản lượng tôm thu được 87 ngàn tấn, vượt kế hoạch 6%, cơ bản bảo đảm được nhu cầu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của 25 doanh nghiệp trên địa bàn. Mặc dù đầu vụ tôm nuôi bị chết trên diện rộng ở mô hình nuôi công nghiệp, giá vật tư thủy sản tăng cao..., nhưng nhờ có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý và các địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, nên diện tích tôm nuôi công nghiệp bị thiệt hại đã được khắc phục, đưa vào thả nuôi vụ tôm mới đạt trên 18 ngàn ha. Đối với nghề khai thác biển, nhờ các giải...
Tại các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau: năm 2011 là năm các tỉnh này “được mùa” nuôi trồng và khai thác thủy hải sản.
* Năm 2011, Bạc Liêu thu được sản lượng thủy sản là 251 ngàn tấn từ nuôi và khai thác biển, vượt mức kế hoạch 7%. Đây là năm đầu tiên sản lượng thủy sản của tỉnh thu được từ nuôi tôm và khai thác biển vượt mốc 200 ngàn tấn/năm; trong đó sản lượng tôm thu được 87 ngàn tấn, vượt kế hoạch 6%, cơ bản bảo đảm được nhu cầu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của 25 doanh nghiệp trên địa bàn.
Mặc dù đầu vụ tôm nuôi bị chết trên diện rộng ở mô hình nuôi công nghiệp, giá vật tư thủy sản tăng cao…, nhưng nhờ có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý và các địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, nên diện tích tôm nuôi công nghiệp bị thiệt hại đã được khắc phục, đưa vào thả nuôi vụ tôm mới đạt trên 18 ngàn ha.
Đối với nghề khai thác biển, nhờ các giải pháp như: hỗ trợ cho ngư dân về vốn, tổ chức các tổ đội khai thác đoàn kết trên biển để giảm chi phí ra vào bến, các chủ phương tiện chia sẻ kinh nghiệm về ngư trường…nên sản lượng thủy sản khai thác biển năm 2011 đạt gần 100 ngàn tấn, vượt 10% kế hoạch, trong đó có gần 15 ngàn tấn tôm, góp phần tăng nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
* Trà Vinh đạt sản lượng 25.182 tấn tôm thương phẩm, vượt 17% kế hoạch năm 2011, tăng 3.736 tấn so với năm 2010. Điều đáng mừng là giá tôm sú nguyên liệu năm nay luôn đứng ở mức cao; loại 15 con/kg có giá từ 240.000 – 260.000 đồng/kg, loại 20 con/kg có giá từ 210.000 – 225.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 180.000 – 190.000 đồng/kg (tùy thời điểm)… nên số hộ nuôi tôm có lãi chiếm khoảng 75%. Trong đó, có khoảng 100 hộ nuôi theo hình thức thâm canh có mức lãi kỷ lục từ 1- 3,5 tỷ đồng.
Vụ nuôi tôm sú năm 2011, ở vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) có trên 26.000 lượt hộ dân thả nuôi gần 2 tỷ con tôm sú giống trên diện tích mặt nước gần 25.200 ha. Tuy đầu vụ gặp nhiều bất lợi, ngoài các yếu tố về thời tiết, môi trường và các loại bệnh thường gặp như: đốm trắng, đỏ thân, đầu vàng…Năm nay xuất hiện bệnh mới do một loại vi khuẩn gây hoại tử gan tụy nên có hơn 8.000 hộ nuôi bị thiệt hại khoảng 415 triệu con giống. Nhờ tập trung chỉ đạo, áp dụng các biện pháp chuyên môn cần thiết nên Trà Vinh sớm khắc phục được tình trạng tôm nuôi bị chết, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng…
* Năm 2011, sản lượng cá đồng của Cà Mau lên tới 30 – 40 ngàn tấn, chủ yếu là các loại cá như: cá lóc, cá rô, cá trê, cá bổi, cá thát lát… Mặc dù thị trường đã tràn ngập cá đồng nhưng giá bán vẫn tăng từ 20- 30 % so cùng kỳ. Các loại cá có giá cao nhất hiện nay là cá rô với 80.000 đồng/kg, cá lóc giá 70.000 đồng/kg, cá trê giá 75.000 đồng/kg, cá bổi, cá thát lát 60.000 đồng/kg…Thị trường Cà Mau luôn tồn tại 2 loại cá đồng. Một loại được thả nuôi tự nhiên trên ruộng lúa hoặc dưới tán rừng tràm, đây là loại cá rất ngon, được người tiêu dùng ưa thích nên chiếm lĩnh thị trường. Loại cá đồng thứ hai là cá đồng nuôi trong ao đầm, có cho thức ăn công nghiệp, tuy giá rất thấp nhưng lại bị người tiêu dùng tẩy chay nên ngày càng ít người nuôi.
Cá đồng ở Cà Mau không chỉ có giá trị kinh tế khi cá còn tươi, mà khi được chế biến “làm khô” cũng rất có giá. Cụ thể như:cá bổi khô hiện nay là 400.000 đồng/kg, cá lóc làm khô giá 350.000 đồng/kg. Từ đây đến Tết nguyên đán là thời điểm vào mùa vụ chính, bà con nông dân vừa thu hoạch cá đồng bán ra thị trường, vừa tổ chức làm cá khô để bán tết. Hiện nay, diện tích đất nước ngọt để nuôi cá đồng ở tỉnh Cà Mau chỉ còn ở vùng U Minh Hạ, khoảng 250.000 ha. Người nuôi cá đồng có khoảng 1.200 hộ, bà con vừa trồng lúa vừa nuôi cá đồng nên thu nhập khá ổn định, không thua kém nuôi tôm .
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()