Nhiều tiềm năng phát triển cây Macadamia tại Việt Nam
Macadamia (mắc ca) là một trong những cây cho hiệu quả kinh tế cao, khá thích hợp thổ nhưỡng khu vực Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù vậy, cái tên Macadamia vẫn còn khá xa lạ với nhiều người dân Việt Nam.
Bởi vậy, chiều 24-1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp cùng Viện nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, Công ty cổ phần thương mại – đầu tư và phát triển công nghệ Quốc tế (IDT) tổ chức Diễn đàn khoa học “Macadamia Việt Nam – tiềm năng phát triển và cơ hội hợp tác” để giới thiệu tới đông đảo người dân về hiệu quả, tiềm năng của giống cây quý này.
Theo PGS.TS Phạm Đức Tuấn, Viện phó Viện nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông, lâm nghiệp Thành Tây: “Cây mắc ca là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó, chu kỳ kinh doanh có thể đạt 60 năm, năng suất hạt đạt bình quân ba tấn/ha và có giá bán khoảng 3,5 USD/kg hạt thô. Đặc biệt, từ hạt mắc ca qua chế biến sản xuất các sản phẩm như bánh kẹo, đồ hộp,…có thể cho giá trị tăng lên gấp ba lần so với bán nhân của quả và trong sản xuất mỹ phẩm, giá trị của nó có thể tăng lên 20 lần. Nếu cây mắc ca có điều kiện thuận lợi để phát triển sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các ngành khác phát triển, đồng thời góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là ở vùng Tây Bắc”.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng hai nghìn ha diện tích trồng cây mắc ca, được trồng ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, sản lượng chưa đáng kể, chủ yếu là để làm giống. Đồng thời, các cơ sở chế biến hạt mắc ca còn khá nhỏ lẻ, người trồng vẫn chưa được trang bị đầy đủ thông tin và kiến thức về cây mắc ca; việc sử dụng giống phù hợp với vùng sinh thái, chứng nhận nguồn gốc lô cây giống, giá cây giống vẫn còn nhiều mối lo ngại.
Đánh giá về tiềm năng phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Bá Ngãi khẳng định: “Mắc ca là loài cây có nhiều giá trị tiềm năng, hứa hẹn sẽ là cây cho nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội, góp phần thiết thực trong công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, hiện, công tác phát triển cây mắc ca vẫn còn nhiều khó khăn do chưa xác định được kênh thị trường tiêu thụ cụ thể, chưa có chiến lược toàn diện về cây mắc ca, về quy hoạch chế biến,…”.
Theo ông Ngãi, những công việc cần thiết cần triển khai nhanh chóng nhằm làm tốt công tác trồng và tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca, gồm: xây dựng chiến lược toàn diện cho cây mắc ca, bắt đầu từ việc quy hoạch vùng trồng; tiếp tục nâng cao chất lượng công đoạn chế biến; nâng cao năng suất chất lượng giống, chuyển tải kỹ thuật, công nghệ cho người nông dân,…
Còn theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, Đào Văn Hạnh, để phát huy tiềm năng và giá trị của cây mắc ca, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tính ưu việt của loài cây này; đồng thời cần có cơ chế chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp và người dân tham gia trồng cây mắc ca. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát công tác cung ứng giống ra thị trường cũng như bảo đảm cung ứng những dòng giống năng suất cao cho việc sản xuất, thông qua đó góp phần tạo điều kiện tăng năng suất và giá trị của cây mắc ca.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()