Nhiều tiềm năng phát triển cây macadamia ở Việt Nam
Mặc dù được đánh giá là một loại cây công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, tuy nhiên, cái tên macadamia (macca) vẫn còn khá xa lạ với đại đa số người dân. Phát triển cây maca ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên sẽ là hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo bền vững.
Đó là những chia sẻ của ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tỉnh Điện Biên trong diễn đàn của Hội thảo khoa học “Phát triển cây macadamia vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên” do Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ Nông Lâm nghiệp Thành Tây và Công ty Cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) phối hợp tổ chức ngày 8-7 tại Hà Nội.
Cây macca có xuất xứ từ Australia với tên gọi đầy đủ là macadamia, khi du nhập vào Việt Nam được gọi tắt là macca. Đây là một đối tượng cây trồng cho quả hạch có lịch sử trẻ nhất trong các loại cây trồng mà con người biết đến. Tuy vậy, với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt macca nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loại hạt”.
Tính đến nay, maca đã có mặt ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm, được trồng thử nghiệm ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên mang lại năng suất cao. Hiện có khoảng 200 nghìn ha được quy hoạch ở Tây Nguyên và 30 nghìn ha ở Tây Bắc. Dự kiến, đến 2025 đạt 200 nghìn tấn hạt và tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD sau năm 2025.
Chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với những thành công ban đầu trong việc đưa cây maca vào canh tác, nông dân Phạm Hữu Tú, xã Thành Mỹ (Thạch Thành, Thanh Hóa) cho hay: “Năm 2006, được sự gợi ý của nông trường, gia đình tôi phá đi 1 ha diện tích đất trồng luồng để thay thế bằng 500 cây maca. Vừa làm vừa run vì lúc đó chúng tôi chưa hiểu hết về hiệu quả cũng như giá trị của sản phẩm. Thật may, nhờ làm đúng kỹ thuật được hướng dẫn nên sau ba năm cây cho trái bói. Năm 2011, gia đình tôi bắt đầu được thu, năm đó, chúng tôi đã thu hoạch được hơn 5 tạ quả với giá bán 40 nghìn/kg. Từ đó đến nay, năng suất và giá thành hằng năm quả maca tăng dần lên, năm 2013 gia đình tôi thu được khoảng 1,7 tấn quả bán với giá 60 nghìn/1kg”.
Ông Tú cũng cho biết thêm ưu điểm của cây macadamia dễ trồng, thích hợp với đất đồi cao, ít sâu bệnh và tiền đầu tư ít.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, hai vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây maca, do đó có thể coi là điều kiện đặc hữu của Việt Nam trong việc trồng cây maca. Một cây maca có thể cho tới 70 kg quả và với giá hiện khoảng 15 USD/kg nhân thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100 nghìn ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm.
GS Hoàng Hòe – nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NN & PTNT) – dự báo, nhu cầu nhân maca trên thị trường thế giới sẽ không thấp hơn 10 lần so với cà-phê. Cũng theo giáo sư Hoàng Hòe, cà-phê chủ yếu làm đồ uống và một phần nhỏ pha rượu hay bánh kẹo trong khi nhân maca do đặc điểm dòn, bùi, thơm ngon, cách ăn và chế biến cũng rất đa dạng cho phép vượt qua mọi ranh giới sắc tộc, tôn giáo, tuổi tác, giới tính và truyền thống ẩm thực để đến với mọi người trên thế giới. Vì là đồ ăn nên lượng tiêu dùng hằng ngày của mỗi người sẽ lớn hơn cà-phê, ca cao rất nhiều.
Thực tế cũng cho thấy, mức đầu tư vào trồng cây maca ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với một số nước như Australia, Mỹ, Nam Phi… Do đó, maca hoàn toàn có thể là đột phá thứ hai sau cây cà-phê và Việt Nam có thể trở thành cường quốc về maca.
Theo TS Nguyễn Trí Ngọc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây: “Cây maca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm trí gấp ba cây cà-phê. Trong nhiều năm qua, maca là cây được rất nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Tuy nhiên các thống kê cho thấy nguồn cung vẫn chưa đủ cầu, giá cả maca trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và là hàng nông sản đắt giá nhất trên thị trường thế giới hiện nay”.
Cây maca cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, điều 12 Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 10-2-2014 quy định: “Các dự án trồng cây maca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây maca quy mô 500 nghìn cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()