Nhiều tiềm năng phát triển các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam
Điện gió ngoài khơi là ngành công nghiệp có tiềm năng to lớn và triển vọng, tạo nguồn năng lượng sạch trong bối cảnh cả thế giới đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 vừa công bố, Việt Nam có tổng tiềm năng kỹ thuật về điện gió ngoài khơi khoảng 160GW, một số địa phương có tiềm năng điện gió lớn như: Quảng Ninh với 11GW, Hà Tĩnh với 4,4GW, Ninh Thuận với 25GW, Bình Thuận với 42GW, Trà Vinh với 20GW…
Năng lượng gió ngoài khơi hay điện gió ngoài khơi là ngành công nghiệp có tiềm năng to lớn và triển vọng, tạo nguồn năng lượng sạch trong bối cảnh cả thế giới đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bộ Công Thương đang triển khai các dự án điện gió với công suất lớn, điển hình như dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind tại tỉnh Bình Thuận với công suất 3.400 MW, tổng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD.
Nếu dự án được triển khai thành công sẽ cung cấp lượng điện năng sạch lớn cho nước ta, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai. Dự án góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, đưa Việt Nam tiến một bước mới trong lĩnh vực điện gió.
Cũng theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020, vùng biển ven bờ Việt Nam, đặc biệt là vùng biển thuộc các khu vực phía Nam (nơi có độ sâu 30-60m) có tiềm năng phát triển rất tốt điện gió biển.
Đặc biệt, khu vực biển có độ sâu từ 0-30m từ Bình Thuận đến Cà Mau rộng khoảng 44.000km2 có tốc độ gió trung bình ở độ cao 100m đạt hơn 5-8m/giây.
Hiện nay, khu vực này đã có trang trại điện gió biển đầu tiên với công suất gần 100 MW đã hoạt động và đang được nghiên cứu để triển khai cho giai đoạn tới năm 2025 lên tới 1.000MW.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Dự án điện gió HBRE Vũng Tàu có công suất lên tới 500MW đang đề xuất Bộ Công Thương phê duyệt để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo.
Tỉnh Bình Thuận cũng đang sở hữu nhiều dự án điện gió như: Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 (công suất 30 MW), Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 (công suất 21 MW), Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 và Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2 (đều có công suất 30 MW).
Còn tại khu vực phía Bắc, tỉnh Thái Bình đang thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Tiền Hải với công suất 70MW.
Cũng theo báo cáo trên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước (6%/năm) với các hoạt động kinh tế biển như: du lịch và dịch vụ biển, hàng hải, khai thác dầu khí và khoáng sản biển, thủy sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo…
Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết Việt Nam có nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi dồi dào, nằm gần các trung tâm đông dân cư và trong khu vực biển tương đối nông; đồng thời có đường bờ biển rất dài và tốc độ gió tốt.
Do vậy, cần đề ra các mục tiêu và khung chính sách phù hợp để khai thác tiềm năng rất lớn này. Việc phát triển điện gió ngoài khơi còn đóng góp vào việc cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường từ nguồn cung cấp điện hiện nay.
Báo cáo “Chuyển đổi trong tương lai của Việt Nam sang điện gió ngoài khơi – Bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất từ quốc tế” ngày 22/7/2021 của Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC), hợp tác với Nhóm Tham vấn Năng lượng tái tạo cũng cho thấy, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn quan trọng trong hoạt động quy hoạch hệ thống năng lượng và có cơ hội để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi trong thập kỷ này.
Với tiềm năng tài nguyên nằm trong top đầu thế giới và nhu cầu điện gia tăng nhanh chóng, Việt Nam sẵn sàng trở thành quốc gia dẫn đầu về điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới./.
Ý kiến ()