Nhiều tiềm năng để kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn
"Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế... sẽ bảo đảm điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng cao hơn nữa". Ðó là khẳng định của Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương CIEM, TS Nguyễn Ðình Cung (Ảnh bên) khi trao đổi ý kiến với phóng viên (PV) Báo Nhân Dân chung quanh triển vọng kinh tế từ nay đến cuối năm.
PV: Những số liệu về tình hình kinh tế bốn tháng cho thấy, đà phục hồi tăng trưởng tiếp tục rõ nét hơn. Theo ông, động lực chính cho tăng trưởng từ đâu?
TS Nguyễn Ðình Cung:Quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế diễn ra nhanh hơn, cho thấy niềm tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nhìn chung được cải thiện. Trong các ngành kinh tế, công nghiệp xây dựng là khu vực có mức tăng cao nhất. Tính chung bốn tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 4,8%). Tiêu dùng có đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng (8,5 điểm %; tăng 8,7%). Tích lũy tài sản cũng tăng khá (6,7%). Vốn đầu tư toàn xã hội quý I năm nay tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 30,4% GDP, trong đó đóng góp nhiều nhất là khu vực ngoài Nhà nước chiếm 36,4% và tăng 10,8%; khu vực Nhà nước chiếm 36,1% tổng vốn và tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 67,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,5% và tăng 10,7%.
Rõ ràng tăng trưởng quý I và cả bốn tháng đầu năm là nhờ sự phục hồi của sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Sự phục hồi này, theo tôi phần lớn do có nhiều cải thiện tích cực của môi trường kinh doanh, thêm sự cộng hưởng từ môi trường vĩ mô ổn định giúp niềm tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh được cải thiện và các nhà đầu tư đã nắm bắt thời cơ đón đầu các cơ hội kinh doanh.
Mặc dù vậy, những chuyển biến kinh tế trong bốn tháng qua mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều điểm đáng lo cùng nhiều băn khoăn, lo ngại.
PV: Vậy những điểm đáng lo đó là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Ðình Cung:Sản xuất nông nghiệp năm ngoái được mùa được giá, tăng trưởng tốt. Năm nay, tăng trưởng thấp do không được mùa cũng không được giá. Nhiều năm rồi vẫn còn tình trạng ở cửa khẩu nông sản dồn ứ, trên ruộng nông sản bỏ cho bò ăn… Tiêu dùng trong nước có cải thiện tốt nhưng nhìn chung cả khu vực dịch vụ hầu như không cải thiện vì trong đó, du lịch giảm do lượng khách du lịch quốc tế giảm trong nhiều tháng. Xuất khẩu tăng chậm và mức tăng trưởng xuất khẩu giảm. Nhập siêu đã quay trở lại. Tỷ giá có phần “căng” hơn trước, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công đang gia tăng…
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh được cải thiện, chỉ số gia nhập thị trường cải thiện mạnh hơn, nhưng chỉ số cạnh tranh lại giảm xuống cho thấy việc tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh chưa thật sự như mong muốn. Tôi hy vọng, việc triển khai nhất quán và mạnh mẽ Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 sẽ củng cố thêm những cải thiện này. Hy vọng việc điều hành chính sách sẽ có những điều chỉnh phù hợp để kinh tế phục hồi bền vững hơn.
PV: Vậy ông dự báo như thế nào về tình hình kinh tế trong các quý tiếp theo và cho cả năm?
TS Nguyễn Ðình Cung:Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,2% hoàn toàn khả thi. Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I-2015 do CIEM và nhóm chuyên gia tư vấn của Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (RCV) thực hiện đã đưa ra dự báo triển vọng kinh tế quý II với GDP tăng 6,18% so cùng kỳ năm 2014; lạm phát tăng 0,85% so cuối quý I-2015; tăng trưởng xuất khẩu là 9,7% so với cùng kỳ năm 2014, cán cân thương mại thâm hụt 1,2 tỷ USD.
Công nhân Công ty May Hà Quảng (Quảng Bình) may hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản.
Tôi thấy tác động tới tăng trưởng từ bên ngoài thì hạn chế nhưng trong nước có nhiều tiềm năng để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn nếu đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin đối với chính sách của Chính phủ. Và nếu có thêm chính sách cho DN tư nhân phát triển tốt, chúng ta hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 7% cho cả năm nay.
PV: Như vậy để đạt được mức tăng trưởng này, cần cân nhắc thực hiện những chính sách nào theo ông?
TS Nguyễn Ðình Cung:CIEM đã có một số khuyến nghị. Trước hết, tiếp tục đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vi mô. Theo đó là triển khai nhất quán, mạnh mẽ Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ; cụ thể hóa tư duy không hạn chế quyền tự do kinh doanh; giảm dần các đối xử mang tính phân biệt, khác biệt giữa DN tư nhân và DNNN. Ngay như ngành du lịch, với tiềm năng vốn có nếu xác định đúng việc phải làm và cần làm, xóa bỏ tư duy tận thu khai thác du lịch, thay vào đó là tư duy đầu tư thì hoàn toàn có thể cải thiện được tình hình.
Về chính sách tài khóa, tránh tăng thu, lạm thu, thu trước hoặc bổ sung các loại thuế, phí thiếu tính giải trình hợp lý (hỗ trợ DN phải là điều kiện tiên quyết). Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế, hoàn thuế; đẩy nhanh giải ngân trái phiếu Chính phủ. Cân nhắc, điều chỉnh yêu cầu phát hành trái phiếu với kỳ hạn từ năm năm trở lên, nhằm bảo đảm tín dụng trung và dài hạn cho DN. Cân nhắc khống chế trần thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 3-4% GDP.
Về chính sách tiền tệ, dành ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành cơ bản tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Số liệu lạm phát hiện ở mức thấp, song chưa phản ánh đầy đủ rủi ro tăng giá trong quý II. Chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều hành thận trọng, gắn với neo kỳ vọng lạm phát để DN yên tâm hơn với quyết định đầu tư dài hạn. Ðiều chỉnh tỷ giá vừa là vấn đề nhạy cảm vừa đa chiều, mỗi chiều ý kiến đều có lý, nên các ý kiến về tỷ giá cần phải được nghiên cứu kỹ hơn và tổng hợp xem xét, nếu điều chỉnh thì tác động đến vĩ mô ra sao và tác động đến giá cả thế nào.
Với chính sách thương mại, cần lưu ý rằng tăng tỷ giá không giúp thúc đẩy xuất khẩu tăng đáng kể. Cần kiểm soát nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật, chỉ ưu tiên nhập khẩu hàng giúp tăng năng lực sản xuất trong nước; Ðẩy nhanh đàm phán các hiệp định thương mại tự do FTA liên quan. Gắn kết chặt chẽ quá trình đàm phán và các nội dung đàm phán liên quan đến các điều ước quốc tế với quá trình cải cách thể chế kinh tế trong nước.
Thực hiện nghiêm việc quản lý, điều hành giá một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu nhằm duy trì ổn định mặt bằng giá chung, hỗ trợ thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Cân nhắc điều phối lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục nhằm tránh gia tăng áp lực đối với lạm phát. Tránh tư duy “tranh thủ” tăng giá các dịch vụ này khi lạm phát ở mức thấp. Khi tăng giá, cần giải trình rõ và gắn với chính sách hỗ trợ hộ nghèo.
PV: Trân trọng cảm ơn tiến sĩ.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()