Nhiều thay đổi quan trọng trong công tác thống kê
Sau hơn 4 tháng kể từ khi chính thức có hiệu lực, nhiều nội dung quan trọng của Luật Thống kê 2015 đã dần đi vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi quan trọng trong công tác thống kê của cả nước. TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ điều này với báo chí xung quanh việc triển khai thực hiện Luật Thống kê mới.
Nâng cao tính chuyên nghiệp
Đánh giá về những tác động của Luật Thống kê 2015 đối với công tác thống kê sau hơn 4 tháng kể từ khi luật chính thức có hiệu lực (1/7/2016), TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định: Luật Thống kê 2015 đổi mới căn bản và toàn diện so với Luật 2003.
Cụ thể, nội dung Luật Thống kê 2015 tập trung giải quyết những bất cập của Luật Thống kê 2003, đặc biệt hướng tới nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động thống kê.
Thứ nhất, tăng trách nhiệm của người làm công tác thống kê, tăng tính giải trình và minh bạch của số liệu. Thứ hai, khẳng định cam kết của cơ quan thống kê trong việc cung cấp kịp thời các thông tin thống kê. Thứ ba, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thống kê trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ tư, nâng cao chất lượng thông tin thống kê bằng việc sửa đổi, bổ sung những quy định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Thứ năm, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin thống kê. Thứ sáu, ưu tiên, khuyến khích của nhà nước trong hoạt động thống kê nhà nước.
“Với những đổi mới về luật định trong Luật Thống kê năm 2015, những hạn chế và bất cập trước đây đã được khắc phục, đồng thời tạo tiền đề nâng cao tính chuyên nghiệp của thống kê Việt Nam. Đây sẽ là nền tảng cơ sở vững chắc để góp phần giúp Thống kê Việt Nam phát triển vững chắc trong tương lai” – TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Chính xác hơn, kịp thời hơn
Về vấn đề nâng cao chất lượng thông tin thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, để nâng cao chất lượng số liệu thống kê, trước tiên, nhiều nội dung trong Luật Thống kê 2003 đã được sửa đổi, bổ sung như phân tách những nội dung quan trọng của hoạt động thống kê thành cấp quốc gia và cấp bộ, ngành để từ đó phân định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện.
Thứ hai, bổ sung, sửa đổi một số điều khoản nhằm tăng cường vai trò của người thực hiện thu thập, tổng hợp và biên soạn thông tin thống kê.
Cụ thể: Bổ sung hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê; Khai man hoặc ép buộc người khác khai man dữ liệu, thông tin thống kê; Mọi hành vi can thiệp làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê…
Đặc biệt, bổ sung một số điều, khoản nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Cơ quan Thống kê Trung ương trong lĩnh vực thống kê nhà nước, như tham gia chỉ đạo tổ chức, giám sát và kiểm tra các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Bộ, ngành thực hiện.
Thứ ba, kết cấu lại một số điều khoản để làm rõ chức năng của Cơ quan Thống kê Trung ương trong thẩm định các nội dung quan trọng trong hoạt động thống kê của bộ, ngành, như: Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; phương án điều tra thống kê (cả trong và ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia) do bộ, ngành quyết định; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành và thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Thứ tư, bổ sung nội dung “Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước” nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tăng tính chính xác, kịp thời của thông tin thống kê, tiết kiệm chi phí và giảm phiền hà, gánh nặng cho người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin thống kê.
Tập trung thanh tra, giám sát
Về trách nhiệm của đối tượng cung cấp thông tin trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho hay, Luật Thống kê 2015 nhấn mạnh, tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền được thông báo về quyết định điều tra thống kê; được đảm bảo bí mật thông tin đã cung cấp.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê cũng phải thực hiện nghĩa vụ: Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng hạn theo yêu cầu của người thực hiện điều tra thống kê; không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thống kê đang được Tổng cục Thống kê tập trung thực hiện. Tuy nhiên, để có được thông tin thống kê khách quan, đầy đủ thì ý thức cộng tác nhiệt tình, đầy đủ cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân phải được đặt lên hàng đầu.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()