Nhiều thành tựu mới trong công tác điều trị ung thư vú
Sáng 26-4, Bệnh viện K tổ chức hội thảo Ung thư vú Việt – Pháp với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về ung thư vú đến từ Pháp và Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của 15 chuyên gia của Pháp đến từ các trường Đại học Y khoa danh tiếng và các Bệnh viện có chuyên ngành ung bướu hàng đầu nước Pháp. Trong hai ngày, từ 26-4 đến 28-4, các chuyên gia của hai nước Việt Nam và Pháp sẽ cùng chia sẻ kiến thức chuyên sâu về chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu khoa học về ung thư vú; chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Bên cạnh đó, hai bên sẽ cùng tập huấn, nâng cao năng lực cho các bác sĩ chuyên ngành ung bướu về chẩn đoán và điều trị phẫu thuật, xạ trị và nội khoa bệnh ung thư vú.
Theo báo cáo của ghi nhận ung tư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2012 trên thế giới có 14,1 triệu trường hợp mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong do ung thư và 32,6 triệu người hiện đang sống cùng bệnh ung thư (trong vòng 5 năm sau chẩn đóan).
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh ung thư có xu hướng ngày một gia tăng và trở thành gánh nặng cho xã hội. Trong các loại ung thư phổ biến tại Việt Nam hiện nay thì ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Theo GLOBOCAN 2012, trên thế giới có 1,7 triệu ca mắc mới ung thư vú, chiếm khoảng 12% tổng số ca mắc mới và 25% trong tổng số ung thư ở phụ nữ.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu gánh nặng bệnh ung thư và chiến lược phòng chống ung thư quốc gia đến năm 2020, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở nữ giới. Tỷ lệ mắc mới chẩn đoán theo tuổi năm 2010 ước tính là 28,1/100.000 phụ nữ.
Theo PGS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, bên cạnh những nỗ lực và thành quả của công tác phòng chống ung thư vú, nền y học Việt Nam và Bệnh viện K cũng đã đạt được những thành tựu lớn trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.
Theo đó, với sự đồng hành với các đồng nghiệp ở các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Úc, Canada, Singapore… nhiều tiến bộ mới nhất đã được áp dụng điều trị cho bệnh nhân ung thư vú Việt Nam.
Hiện nay, trong công tác phát hiện sớm bệnh ung thư, kỹ thuật sinh thiết bằng định vị kim dây được thực hiện tại Bệnh viện K giúp chẩn đoán sớm các khối u chưa phát hiện được trên lâm sàng. Về mô bệnh học và sinh học phân tử, Bệnh viện K đã áp dụng những kỹ thuật mới nhất không chỉ để chẩn đoán bệnh chính xác mà còn phân loại chi tiết các thể bệnh học giúp cho từng bệnh nhân có phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Các kỹ thuật chụp cắt lớp đa dãy, chụp cộng hưởng từ với từ lực cao, chụp xạ hình, PET-CT đã giúp đánh giá giai đoạn bệnh, đánh giá kết quả điều trị tốt hơn thay vì chỉ có X-quang thường và siêu âm ổ bụng như trước. Việc sinh thiết các vị trí di căn ở sâu cũng có thể được thực hiện nhờ các phương pháp hiện đại hỗ trợ.
Trong phẫu thuật, với các bệnh nhân ở giai đoạn sớm, khối u nhỏ đã được phẫu thuật bảo tồn chỉ lấy rộng u thay vì cắt toàn bộ vú như trước đây. Đối với bệnh nhân có khối u lớn, không thể giữ được tuyến vú thì phẫu thuật tái tạo vú sẽ giúp bệnh nhân có được tâm lý tự tin sau điều trị. Kỹ thuật phát hiện và sinh thiết hạch gác (hạch cửa) giúp tránh được vét hạch nách ở các trường hợp chưa di căn hạch, hạn chế được các biến chứng tay to, đau, tê bì mà bệnh nhân phải chịu đựng trong nhiều năm.
Sau các ca mổ, khi phải xạ trị thì các kỹ thuật điều biến liều (IMRT) làm giảm thiểu tác dụng có hại của xạ trị đối với các cơ quan lân cận như phổi, tim, xương sườn… Các máy xạ trị gia tốc với năng lượng cao cũng giúp giảm thời gian xạ trị, hạn chế các tác dụng phục của xạ trị.
Một thành tựu nữa trong công tác điều trị ung thư vú cũng được PGS, TS Trần Văn Thuấn chia sẻ tại hội thảo, ngày nay các bệnh nhân ung thư vú có cơ hội sống lâu dài bởi các thuốc điều trị bệnh vô cùng phong phú. Các thuốc hóa chất, nội tiết, chống di căn xương mới nhất và hoạt tính chống u cao, tác dụng phụ thấp đều đã có mặt và được áp dụng tại Bệnh viện K.
Đặc biệt, những năm gần đây, các thuốc điều trị đích trong đó có kháng thể đơn dòng trastuzumab (Herceptin) với khả năng tìm tế bào ung thư để tiêu diệt, hạn chế ảnh hưởng đến tế bào lành đã được ứng dụng trong điều trị. Các thuốc chống nôn, thuốc kích thích bạch cầu thế hệ mới đã hỗ trợ tích cực cho các phương pháp điều trị chính, giúp bệnh nhân vượt qua được các tác dụng phụ của điều trị.
Nhờ áp dụng nhữngg thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị, hiện nay nhiều bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm với tỷ lệ sống trên 5 năm tới 85,6% so với tỷ lệ 67,7% ở những năm 1990 tại Bệnh viện K.
Cũng nhân chuyến công tác của đoàn chuyên gia trong lĩnh vực ung thư đến từ Pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi gặp gỡ thân mật đón tiếp đoàn chuyên gia. Ngoài trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống ung thư, Bộ trưởng mong muốn các chuyên gia đầu ngành của Pháp hỗ trợ và tiếp tục giúp đỡ cho các bác sĩ Việt Nam một cách toàn diện trong lĩnh vực ung thư như dịch tễ học và ghi nhận ung thư; dự phòng và phát hiện sớm ung thư, chẩn đóan, điều trị, sinh học phân tử…
Hội thảo gồm 5 phiên với những nội dung cụ thể về ngoại khoa; nội khoa; xạ trị; chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh – sinh học phân tử. Ngoài ra, bác sĩ Bosc Romain (Bệnh viện Henri Mondor, Centre Sein Henri Mondor, Creteil, Pháp) cũng sẽ trình diễn phẫu thuật trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ tại hội thảo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()