Nhiều thách thức ngành ngân hàng trong hội nhập
Ngày 17-12, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp Trường đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011 - 2015 và những tác động đối với nền kinh tế”.
Cùng với việc đánh giá những đóng góp của chính sách tiền tệ (CSTT) tới nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua, các diễn giả tại hội thảo cũng chỉ ra những bài học kinh nghiệm và vấn đề đặt ra trong giai đoạn sắp tới để giúp công tác điều hành CSTT của NHNN nói riêng và các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và phối hợp với nhau ngày càng tốt hơn nữa.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Phạm Xuân Hòe, CSTT và hoạt động ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015 được đánh giá là thành công và sẽ có nhiều thách thức trong thời gian tới. Cụ thể, trong giai đoạn này, NHNN đã xử lý “cô lập – gói gọn” các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém bằng các biện pháp mạnh, kể cả mua lại với giá 0 đồng, để kiểm soát tình hình tránh đổ vỡ dây chuyền đến hệ thống. Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu về đích 3% theo cách thức riêng biệt với hoàn cảnh của thị trường Việt Nam với nguyên tắc tối cao là không được sử dụng nguồn ngân sách đã đạt được kết quả và đang có bước đi tạo ra thị trường mua – bán nợ. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý cho tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) và sự ra đời của VAMC, tạo nền móng cho thị trường mua – bán nợ…
Với những kết quả đạt được như vậy, ông Phạm Xuân Hoè cũng cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, NHNN cần nhanh chóng đánh giá quá trình tái cấu trúc để điểm mặt NHTM có khả năng vượt trội cho phép nới room cá biệt để kêu gọi vốn nhà đầu tư quốc tế, nâng tầm 1 – 2 NHTM đạt trình độ khu vực vào năm 2020. Bên cạnh đó, cần một nghị quyết đặc biệt hoặc pháp lệnh của Quốc hội để tháo gỡ các nút thắt về pháp lý trong xử lý nợ xấu như phân chia rõ trách nhiệm về tài chính trang trải cho khoản lỗ khi bán khoản nợ xấu (Nhà nước – NHTM – khách hàng vay) để mở đường cho thị trường mua bán nợ phát triển.
Ngoài ra, ông Phạm Xuân Hoè cũng chỉ ra bốn thách thức lớn đối với ngành ngân hàng trong thời gian tới. Đó là, tín dụng tăng trưởng hằng năm 15 – 17%, chất lượng nợ xấu; bài toán tỷ giá và lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực. Hai là thâm hụt tài khóa, nợ công, cộng thêm cam kết đưa thâm hụt tài khóa về 4% trong trung hạn. Ba là rủi ro địa chính trị, tài chính toàn cầu, chính sách điều hành của NH trung ương các nước lớn tác động lan tỏa dễ gây tổn thương tới hệ thống tài chính Việt Nam, áp lực lớn cho thiết kế điều hành chính sách tiền tệ. Và cuối cùng, quy mô tài chính, chất lượng tài sản, chất lượng quản trị công ty của các NHTM Việt Nam còn hạn chế trong khi hội nhập càng sâu rộng.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đã chia sẻ ý kiến về những đánh giá và góp ý của các chuyên gia về công tác điều hành của NHNN cũng như những kiến nghị về định hướng trong thời gian tới. Theo bà Hồng, giai đoạn vừa qua đã hình thành nên hai bức tranh về chính sách. Theo đó, nếu năm 2011 là một bức tranh với GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13% thì năm 2015, GDP đạt hơn 6,5% nhưng lạm phát được kiểm soát mức thấp trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên.
“Đó là bức tranh sáng sủa về chính sách vĩ mô,” bà Hồng bày tỏ.
Ngoài ra, NHNN cũng quán triệt phương châm của Thống đốc NHNN là điều hành luôn hướng tới nâng cao vị thế của VNĐ, kết hợp các công cụ chính sách để nâng cao lợi tức nắm giữ của VND; mở dụng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả;… Đặc biệt, bà Hồng cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc kết hợp giải pháp điều hành tốt đi đôi với công tác thanh tra giám sát hiệu quả.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()