Nhiều thách thức còn ở phía trước
LSO-Trong 20 năm thực hiện Chương trình chống lao Quốc gia (1994-2014), Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện mục tiêu “4 giảm” (Giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ nhiễm lao và giảm tỷ lệ kháng thuốc mắc phải trong cộng đồng). Tuy vậy, những thách thức trong công tác chống lao ở Lạng Sơn vẫn còn ở phía trước.
Bác sĩ Bệnh viện Lao & Phổi Lạng Sơn khám và điều trị cho bệnh nhân |
Theo báo cáo của Bệnh viện Lao & phổi Lạng Sơn, Qua giám sát, đánh giá chương trình chống lao ở Lạng Sơn, Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá đã đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản của chương trình. Tuy vậy, qua giám sát mạng lưới, một số hoạt động chưa được quan tâm đầy đủ nên hiệu quả thực hiện còn hạn chế, đặc biệt là công tác phát hiện và quản lý bệnh nhân. Năm 2013, tỷ lệ phát hiện AFB mới trên số bệnh nhân làm xét nghiệm đờm giảm so với năm 2012, nguyên nhân chính được nêu lên là do khâu lấy đờm chưa đạt yêu cầu nên khả năng phát hiện còn hạn chế. Cùng với đó là chất lượng truyền thông còn hạn chế trong khi hầu hết các bệnh nhân lao đều được phát hiện bằng phương pháp thụ động (phát hiện lao qua các bệnh khác), nên phát hiện còn thấp và muộn. Trên thực tế, bệnh viện vẫn phải tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện điều trị lao lần đầu trong tình trạng bệnh nặng.
Phân tích vấn đề này, Bác sĩ Phan Thanh Huy, Giám đốc BV Lao & phổi Lạng Sơn cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là hoạt động ở cấp xã và huyện. Tại các trạm y tế xã, rất ít cán bộ y tế có hứng thú với công tác phòng chống các bệnh xã hội nói chung và chống lao nói riêng, nếu có làm thì chỉ là miễn cưỡng; đội ngũ y tế thôn bản vừa yếu về truyền thông, vừa thiếu kiến thức để phát hiện. Mặt khác, thù lao cho công tác phòng chống lao vừa thấp, vừa bị cắt giảm, nên người làm công tác chống lao ở cơ sở thiếu nhiệt tình trong việc lấy đờm, chuyển lên tuyến huyện để xét nghiệm. Vì vậy, khi người dân cảm thấy “không chịu nổi” mới ra trạm xá và cũng chỉ được lời khuyên là lên trung tâm y tế huyện làm xét nghiệm đờm. Người bị bệnh lao hầu hết là người nghèo, vùng nông thôn xa; từ thôn bản lên huyện phải ở 2 ngày để làm các xét nghiệm; do cần nhiều thời gian và tiền bạc, nên họ rất ngại.
Từ năm 2013 trở về trước, tuy đội chống Lao của các trung tâm y tế có từ 5-7 cán bộ, được Bệnh viện Lao & phổi tỉnh chỉ đạo chặt chẽ về chuyên môn, song hầu hết các huyện đều thực hiện chưa chặt chẽ trong việc khám sàng lọc lao cho bệnh nhân có dấu hiệu nghi lao đến khám. Điều đó giải thích tại sao năm 2013 tỷ lệ bệnh nhân nặng phải chuyển tuyến cao, bệnh diễn biến phức tạp do các bệnh khác phối hợp; tỷ lệ tử vong cao so với năm 2012. Mặt khác, tình hình diễn biến của bệnh lao ngày càng phức tạp, xu hướng bệnh nhân thất bại trong điều trị ngày càng tăng dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc, rất khó điều trị khỏi.
Phát hiện sớm, điều trị khỏi là 2 yêu cầu cần đạt được của công tác chống lao. Theo điều tra của ngành y tế, cũng như toàn quốc, tỷ lệ nhiễm lao ở Lạng Sơn ở mức 40% dân số; nếu 1 bệnh nhân lao AFB không được phát hiện kịp thời, thì mỗi năm có thể lây nhiễm cho từ 15-20 người. Muốn phát hiện sớm, người dân phải có nhận thức và kiến thức về bệnh lao, nhận thức và kiến thức được hình thành theo nhiều kênh, trong đó quan trọng nhất là kênh truyền thông trực tiếp từ cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta còn xem nhẹ vấn đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về bệnh lao cho đội ngũ y tế thôn bản và đưa y tế thôn bản vào mạng lưới chống lao. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến việc phát hiện sớm để bệnh nhân được chữa khỏi.
Mặt khác, nguồn nhân lực trong chống lao ở Lạng Sơn vừa thiếu vừa yếu. Theo bác sĩ Huy, một bệnh viện lao và phổi là BV hạng 2 nhưng mới chỉ có 10 bác sĩ, trong khi nhu cầu tối thiểu là phải có từ 15-17 bác sĩ; hiện nay bệnh viện đang trong tình trạng “già hóa” viên chức, chỉ có người nghỉ chế độ, người xin đi chứ không có người xin vào, thậm chí có bác sĩ xin đi học nâng cao và bỏ luôn mà không có hồi âm. Tiếp nhận chương trình chống lao từ Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội chuyển sang từ năm 2012 , song Bệnh viện Lao & phổi chỉ thêm việc chứ không thêm nhân lực và kinh phí. Vì vậy nhiệm vụ của Bệnh viện đã nặng lại khó khăn hơn.
Hai mươi năm, một quãng đường khá dài trong thực hiện chương trình chống lao Quốc gia, kết quả của công tác chống lao ở Lạng Sơn đã được khẳng định. Kết quả ấy là sự hội tụ của nhiều nỗ lực, trong đó có công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân và kiện toàn, nâng cao năng lực của mạng lưới chống lao từ tỉnh đến cơ sở. Nhưng những khó khăn thách thức vẫn hiện diện ở phía trước. Đó là việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ trong mạng lưới, nhất là các tổ chống lao cấp huyện; cân đối nguồn lực về tài chính đảm bảo thù lao cho người làm công tác chống lao, nhất là cấp xã, để huy động nhiệt tình và trách nhiệm của họ trong công việc khó khăn này.
MINH HỒNG
Ý kiến ()