Nhiều quy định mới nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới so luật cũ, trong đó sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam và tập trung thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động.
Chiều 14/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 465 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua luật, chiếm 93,37% tổng số đại biểu. Như vậy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Theo đó, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày luật mới có hiệu lực thi hành.
5 nhóm điểm mới so luật hiện hành
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Trước khi thông qua toàn bộ luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu rõ, dự thảo luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, bỏ 3 điều (các điều: 2, 47 và 61 dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba), bổ sung 3 điều (các điều: 33, 39 và 55).
Trong đó, dự thảo luật có 5 nhóm điểm mới so với luật hiện hành. Trong đó, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, luật mới có sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Luật quy định thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Cùng với đó, luật mới cũng sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Luật này cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Tăng cường tính khả thi
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng chuyển quy định tại khoản 1 Điều 31 về Điều 2 giải thích từ ngữ, đồng thời rà soát nội hàm quy định như thể hiện tại khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật.
Về nội dung phòng ngừa bạo lực gia đình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bỏ điểm a khoản 2 Điều 17 và chỉnh lý Điều 18 như dự thảo Luật.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày luật mới có hiệu lực thi hành.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật có liên quan và đã thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 24 theo hướng: quy định rõ căn cứ và trường hợp Trưởng Công an xã yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc.
Luật mới cũng bỏ quy định về thời gian người bị bạo lực gia đình làm việc tại trụ sở Công an xã và quy định về trình tự, thủ tục đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nếu họ không đến như thể hiện tại Điều 24 dự thảo Luật.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định, tổ chức việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Khoản 4 và khoản 5 Điều 32 cũng được chỉnh lý tương tự.
Ngoài những nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự thảo Luật và chỉnh lý về nội dung và kỹ thuật lập pháp tại 15 điều luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Để bảo đảm luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường tính khả thi của luật, đặc biệt là nội dung mới trong các quy định về cấm tiếp xúc, góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, thực hiện công vụ phục vụ cộng đồng…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của luật.
Chính phủ cũng cần khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành luật.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục quan tâm triển khai tốt việc thực hiện pháp luật có liên quan như bình đẳng giới, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, trợ giúp xã hội, phòng, chống tác hại của rượu bia, xử lý vi phạm hành chính… để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời kịp thời bảo vệ, hỗ trợ hiệu quả người bị bạo lực gia đình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để xây dựng cơ chế đồng bộ, hữu hiệu trong phòng, chống bạo lực gia đình để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trở thành cơ sở pháp lý quan trọng nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng, xã hội tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Ý kiến ()