Nhiều quốc gia đối mặt với nguy cơ bị nước biển “nuốt chửng”
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây cảnh báo mực nước biển toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900. Sự gia tăng không ngừng đó là mối đe dọa với các quốc gia cũng như hàng trăm triệu người dân sống tại những khu vực ven biển trũng thấp.
Theo Tổng thư ký Guterres, mực nước biển sẽ tăng lên đáng kể ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,5 độ C-mục tiêu đầy tham vọng của cộng đồng quốc tế. Dựa trên dữ liệu gần đây của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2-3m trong 2.000 năm tới nếu trái đất chỉ ấm thêm 1,5 độ C. Với mức tăng 2 độ C, nước biển có thể dâng cao tới 6m và với mức tăng 5 độ C, mực nước biển sẽ tăng tương ứng 22m.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, nhiệt độ trái đất tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C và đang hướng tới mức tăng 2,8 độ C-“án tử” đối với các nước dễ tổn thương, bao gồm nhiều đảo quốc nhỏ. Thậm chí, những quốc gia như: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Ðộ và Hà Lan cũng bị đe dọa bởi mực nước biển dâng, trong khi “các siêu đô thị ở mọi châu lục đều sẽ đối mặt với những tác động nghiêm trọng”, gồm: Cairo, Lagos, Maputo, Bangkok, Dhaka, Jakarta, Mumbai, Thượng Hải, Copenhagen, London, Los Angeles, New York, Buenos Aires và Santiago.
Tổng thư ký Guterres khẳng định hậu quả lúc đó thật khó có thể tưởng tượng. Những cộng đồng ở vùng trũng thấp và toàn bộ các quốc gia có thể biến mất. Thế giới sẽ chứng kiến một cuộc di cư ồ ạt của toàn bộ dân số theo quy mô cực lớn cũng như sự tranh giành nước ngọt, đất đai và các nguồn tài nguyên khác sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Hiện có gần 900 triệu người dân sống tại các vùng trũng thấp ven biển.
AP cho biết, hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thư ký Guterres từng nhận định thế giới đang hướng tới “sự hỗn loạn khí hậu” không thể đảo ngược và kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa thế giới trở lại đúng hướng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm khí thải, tiếp tục tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh tiến độ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Theo quan điểm của ông Guterres, viễn cảnh này đòi hỏi các quốc gia phải có những hành động phối hợp hơn nữa để giảm lượng khí thải và bảo đảm công bằng về khí hậu, đặc biệt là việc phân bổ những nguồn lực cần thiết cho các nước đang phát triển.
Ý kiến ()