Nhiều quốc gia bày tỏ chính kiến về kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên
Ngày 10/4, quan chức của Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên, ông Paek Chung Ho, khẳng định vụ phóng vệ tinh của nước này sẽ không gây tác hại đến các quốc gia láng giềng cũng như toàn khu vực. Tuy nhiên, bất chấp lời tuyên bố trên, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại xung quanh kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Phát biểu trong cuộc họp có sự tham gia của các phóng viên nước ngoài, quan chức trên cũng khẳng định hai tầng đầu tiên của tên lửa đẩy, có nhiệm vụ mang vệ tinh Kwangmysong-3, sẽ rơi xuống khu vực nằm trong quỹ đạo đã được xác định. Tuy nhiên, ông Paek Chung Ho cũng nói rằng vẫn chưa ấn định thời điểm cụ thể cho kế hoạch phóng vệ tinh mặc dù các công việc chuẩn bị đang được xúc tiến. Dự kiến, Chính phủ Triều Tiên sẽ mời các nhà báo nước ngoài tham quan trung tâm kiểm soát vũ trụ toàn diện tại Bình Nhưỡng trong ngày 11/4. Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của phía CHDCND Triều Tiên, một số nước vẫn tiếp tục...
Ngày 10/4, quan chức của Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên, ông Paek Chung Ho, khẳng định vụ phóng vệ tinh của nước này sẽ không gây tác hại đến các quốc gia láng giềng cũng như toàn khu vực. Tuy nhiên, bất chấp lời tuyên bố trên, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại xung quanh kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng.
Phát biểu trong cuộc họp có sự tham gia của các phóng viên nước ngoài, quan chức trên cũng khẳng định hai tầng đầu tiên của tên lửa đẩy, có nhiệm vụ mang vệ tinh Kwangmysong-3, sẽ rơi xuống khu vực nằm trong quỹ đạo đã được xác định. Tuy nhiên, ông Paek Chung Ho cũng nói rằng vẫn chưa ấn định thời điểm cụ thể cho kế hoạch phóng vệ tinh mặc dù các công việc chuẩn bị đang được xúc tiến. Dự kiến, Chính phủ Triều Tiên sẽ mời các nhà báo nước ngoài tham quan trung tâm kiểm soát vũ trụ toàn diện tại Bình Nhưỡng trong ngày 11/4.
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của phía CHDCND Triều Tiên, một số nước vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại và đưa ra lời cảnh báo xung quanh kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp báo tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cảnh báo, CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục phải đối mặt với các biện pháp cô lập mạnh mẽ hơn từ phía cộng đồng quốc tế nếu như thực hiện vụ phóng vệ tinh như đã định.
Tuyên bố trên được bà Nuland đưa ra trong bối cảnh các quan chức tình báo Hàn Quốc cùng ngày cho biết, các bức hình thu thập được qua vệ tinh trong vài ngày gần đây cho thấy, CHDCND Triều Tiên hiện đang tich cực chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh tại căn cứ Poongkye-ri thuộc phía Đông Bắc tỉnh Hamkyong. Theo quan điểm của bà Nuland, Washington coi vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên là một hành động khiêu khích. Và, tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nếu như vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên thực chất là một vụ thử hạt nhân. Bà Nuland cho biết, hiện Mỹ đang kêu gọi Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để kêu gọi CHDCND Triều Tiên từ bỏ kế hoạch trên. Theo lập luận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ mang lại lợi ích cho nhiều nước, điển hình nhất là Trung Quốc.
Trong khi đó, chính phủ Philippines vừa chỉ thị cho các nhà lãnh đạo đảo Luzon chuẩn bị sẵn sàng cho vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.
Bộ Nội vụ Philippines cho biết, họ đã yêu cầu các nhà lãnh đạo tại đảo Luzon huy động quân đội và cảnh sát để đối phó trong tình huống các mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ Philippines.
Được biết, Philippines đã thông báo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế về khả năng các mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên sẽ rơi xuống khu vực cách bờ biển phía Đông của đảo Luzon 130 km. Hiện chính phủ Philippines đang yêu cầu Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cung cấp thông tin về vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng với lo ngại rằng quân đội Philippines sẽ thiếu khả năng và kinh nghiệm trong việc phát hiện và bắn hạ các mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên.
Chính phủ Philippines lên kế hoạch sẽ đưa ra lời cảnh báo cho người dân về vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng thông qua các phương tiện truyền thông.
Trong khi đó, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG), ngày 10/4, đã đưa ra lời cảnh báo cho các phương tiện tàu thuyền qua lại tại các khu vực hải phận của Nhật Bản nhằm phục vụ cho công tác chuẩn bị đối phó với vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng.
Ngày 10/4, 11 trung tâm quản lý khu vực của JCG đã đồng loạt báo động cho các tàu thuyền qua lại các khu vực hải phận thuộc tầm kiểm soát của lực lượng này. Các chuyên gia của JCG sử dụng hệ thống phát thanh để khuyến cáo các phương tiện tàu thuyền về địa điểm và thời gian các mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên sẽ rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.
Theo kế hoạch, JCG sẽ đưa ra lời cảnh báo cho các phương tiện 2 lần/ngày cho đến khi nào những thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được xác định cụ thể.
Về phần mình, Cơ quan hàng không Nhật Bản hiện đang lên kế hoạch sẽ tạm hoãn phục vụ các chuyến bay tới Philippines và Singapore trong bối cảnh thời điểm diễn ra vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đang đến gần.
Trước đó, CHDCND Triều Tiên đã thông báo với Tổ chức Hàng hải Quốc tế rằng, các mảnh vỡ tên lửa trong vụ phóng sắp tới sẽ rơi xuống hai khu vực là phía Tây bán đảo Triều Tiên và phía Đông đảo Luzon của Philippines.
Cơ quan hàng không Nhật Bản và Hãng hàng không All Nippon cho biết, các chuyến bay từ Tokyo tới Manila, Singapore và Jakarta có khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong quá trình Triều Tiên phóng tên lửa. Vì thế, hành trình của các chuyến bay này sẽ được điều chỉnh xa hơn 200 km về phía Tây và các máy bay sẽ phải dự trữ thêm nhiên liệu để sẵn sàng cho các chuyến bay xa hơn dự kiến.
Cùng ngày 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan Jin đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút liên quan đến kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok cho biết hai bộ trưởng “đã bàn tới cách thức hợp tác nhằm đối phó” với vụ phóng của Bình Nhưỡng cũng như các nỗ lực chung để bảo vệ Hàn Quốc. Hai ông cũng cảnh báo Triều Tiên không nên thực hiện một vụ phóng như vậy, coi đây là hành động khiêu khích, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như nghĩa vụ tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Trước đó, Bộ trưởng Panetta từng tuyên bố với báo giới rằng Mỹ sẽ “sử dụng mọi phương tiện cần thiết để đối phó với các tình huống bất ngờ”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich, ngày 10/4, tuyên bố, Moscow coi quyết định CHDCND Triều Tiên về việc sử dụng tên lửa đẩy để phóng vệ tinh lên quỹ đạo là một hành động “đi ngược lại” các bản nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Qua đó, ông Lukashevich kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết vấn đề này.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()