Nhiều nước trên thế giới từng bước tái khởi động các hoạt động kinh tế
Giữa bối cảnh mùa Hè đang tới gần, những nước có nền kinh tế dựa chủ yếu vào hoạt động du lịch đang đối mặt với nỗi lo sẽ không gặt hái gì được trong mùa cao điểm sắp tới.
Nhiều nước trên thế giới đang tìm cách tái khởi động các hoạt động kinh tế-xã hội khi dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát.
Đáng chú ý là việc mở cửa trở lại ngành du lịch, vốn chịu sự tàn phá nặng nề nhất bởi đại dịch này, khi các nước phải đóng cửa biên giới, ngừng các chuyến bay và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp .
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc khôi phục các hoạt động sau khủng hoảng dịch bệnh không hề dễ dàng.
Giữa bối cảnh mùa Hè đang tới gần, những nước có nền kinh tế dựa chủ yếu vào hoạt động du lịch đang đối mặt với nỗi lo sẽ không gặt hái gì được trong mùa cao điểm sắp tới.
Hiện nhiều quốc gia và các công ty lữ hành đã bắt đầu khuyến khích người dân đi du lịch, nhưng vẫn theo cách rất thận trọng.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 13/5 cũng đề xuất các nước trong Liên minh châu Âu có mức độ lây lan dịch COVID-19 tương đương nhau nên nới lỏng quy định đi lại giữa các nước này và dần dần tiến tới khôi phục lại hoàn toàn việc cho phép di chuyển tự do trong toàn bộ 27 nước thành viên.
Hiện ngành du lịch chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế EU.
Tuy nhiên, EC khuyến nghị các nước nên đóng cửa biên giới ngoài châu Âu để phục vụ du lịch tới ít nhất là giữa tháng Sáu.
Riêng Tây Ban Nha, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu bởi đại dịch này, tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với các du khách ngoài châu Âu tới tháng 7/2020.
Iceland, nền kinh tế dựa gần như hoàn toàn vào du lịch, dự kiến sẽ mở cửa lại biên giới vào ngày 15/6.
Tuy nhiên khách du lịch quốc tế tới đây phải tự quyết một là trả tiền để xét nghiệm có nhiễm SARS-CoV-2 hay không, hai là bị cách ly 14 ngày.
Một số nước ở vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania bắt đầu thử nghiệm cho phép người dân đi lại trong một nhóm nước nhất định.
Australia và New Zealand, hai nước có khá ít số ca mắc COVID-19, cũng đã nhất trí cho người dân nước họ qua lại giữa hai nước.
Thống đốc bang New York của Mỹ, Andrew Cuomo ngày 13/5 công bố có thêm một khu vực tại bang này đáp ứng đủ 7 tiêu chí như ông yêu cầu và được mở lại một phần hoạt động cùng với ba khu vực đã công bố từ trước.
Như vậy bốn khu vực nông thôn phía Bắc của bang New York là North Country, Finger Lakes, Southern Tier, và Mohawk Valley sẽ được mở lại các hoạt động sản xuất, xây dựng và bán lẻ kể từ thứ Sáu (15/5).
Kể từ 14/5, thành phố New York sẽ cấm xe lưu thông trên một số tuyến phố gần các công viên để người dân có thêm không gian ra ngoài trời mà vẫn đảm bảo quy định giãn cách xã hội.
Trong khi đó, sau 7 tuần áp dụng nghiêm ngặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm giảm đà lây lan của dịch COVID-19, ngày 13/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 4 hiện tại xuống cấp độ 3, bắt đầu từ cuối tháng 5/2020.
Trước đó, ngày 12/5, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi công bố gói tín dụng ưu đãi trị giá 200 tỷ rand (10,8 tỷ USD) nhằm giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước này vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
Các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 300 triệu rand (16,5 triệu USD) sẽ nằm trong danh sách được cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi này.
TUI, hãng du lịch lớn nhất thế giới cho biết sẽ cắt giảm 8.000 việc làm, tương đương 10% tổng số nhân viên của hãng.
Tuy nhiên, hãng có trụ sở tại Hanover, Đức này cho biết sẽ sớm mở lại một số trong tổng số 400 khách sạn và khu nghỉ dưỡng của họ trong những ngày tới.
Trong khi đó, hãng hàng không Emirates ngày 13/5 cho biết sẽ bắt đầu bay lại với số khách hạn chế tới 9 điểm đến, bao gồm London (Anh) và Frankfurt (Đức), kể từ ngày 21/5 tới.
Ba điểm cửa khẩu biên giới giữa Áo và Đức cũng được mở lại ngày 13/5, tức là chỉ một ngày sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí với nhau về các biện pháp khôi phục lại việc cho phép di chuyển tự do giữa hai nước./.
Ý kiến ()