Nhiều nước tìm cách đối phó rò rỉ thông tin từ Wikileaks
Sau khi công bố hàng loạt tài liệu mật về sự thật cuộc chiến tranh của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc gây chấn động thế giới, Tổng Biên tập trang mạng Wikileaks G.Át-xan-giơ mới đây dọa tiếp tục tung ra bí mật "động trời" không chỉ về Mỹ mà còn về các nước khác. Việc làm này của Wikileaks gây nhiều phản ứng khác nhau. Cùng với nhiều ý kiến phản đối, cho rằng việc làm này đe dọa an ninh đối với nhiều cá nhân và tổ chức thì đội ngũ an ninh, mật vụ của nhiều nước đang tìm cách "phản đòn" nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của các vụ "rò rỉ thông tin".Khi có thông tin về Wikileaks công bố gần 400.000 tài liệu về cuộc chiến tranh của Mỹ ở I-rắc tháng 10 vừa qua, quân đội Mỹ đã phải 'dàn trận' tới 120 chuyên gia để tìm cách đối phó hậu quả vụ rò rỉ thông tin. Trong khi Wikileaks tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận thế giới bằng những 'quả bom' thông tin gây sốc, giới chức Mỹ 'đau đầu' đối phó việc trang mạng dọa sẽ cung...
Khi có thông tin về Wikileaks công bố gần 400.000 tài liệu về cuộc chiến tranh của Mỹ ở I-rắc tháng 10 vừa qua, quân đội Mỹ đã phải 'dàn trận' tới 120 chuyên gia để tìm cách đối phó hậu quả vụ rò rỉ thông tin. Trong khi Wikileaks tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận thế giới bằng những 'quả bom' thông tin gây sốc, giới chức Mỹ 'đau đầu' đối phó việc trang mạng dọa sẽ cung cấp thêm 15 nghìn tài liệu mật về cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan. Nhiều người thuộc chính giới Mỹ kêu gọi một cuộc tiến công mạng đối với website này. Một số quan chức Mỹ cho rằng, quân đội nước này cần tiến công điện tử đối với Wikileaks và bất cứ công ty viễn thông nào đề nghị cung cấp dịch vụ cho tổ chức này. Tờ Thời báo Oa-sinh-tơn cũng đưa tin, Wikileaks hiện là mối đe dọa với an ninh nước Mỹ và Chính phủ Mỹ nên tiến hành cuộc chiến tranh mạng chống trang web này. Có những ý kiến cho rằng, Tổng Biên tập Wikileaks Át-xan-giơ không phải là công dân Mỹ, hoạt động ngoài lãnh thổ nước Mỹ, nên chính phủ có thể vận dụng không chỉ cưỡng chế luật mà còn dùng các cơ quan quân sự và tình báo như Cơ quan An ninh mạng để đưa Át-xan-giơ ra công lý. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại đánh giá, đây là việc làm không khả thi bởi thực tế Wikileaks có hàng loạt trang mạng phiên bản.
Trong khi đó, tại cuộc phỏng vấn đưa trên một tờ báo hằng ngày của Nga cuối tháng 10 vừa qua, người phát ngôn của Wikileaks K.Hơ-ráp-xơn cho biết, độc giả Nga sẽ biết thêm nhiều thông tin về đất nước họ và sự thật các hoạt động của Chính phủ Nga sau khi một trong những tài liệu của trang mạng này sắp tới được tung ra. Mặc dù Nga chưa có phản ứng chính thức nào trước tuyên bố trên của Wikileaks, song một số nhà quan sát cho rằng, đây sẽ là một thách thức lớn đối với các cơ quan an ninh Nga trong việc đối phó, xử lý các thông tin bị rò rỉ trước nguy cơ những thông tin này sẽ được các phương tiện truyền thông của Nga sử dụng. Tờ Người Giám sát Khoa học Cơ đốc giáo dẫn lời Chủ tịch Viện Chiến lược quốc gia Nga X.Ben-cốp-xki cho rằng, nếu những tài khoản ngân hàng bí mật và các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của giới thượng lưu Nga bị công bố sẽ gây tác động khủng khiếp. Phần Lan cũng không nằm ngoài tầm ngắm của Wikileaks. Thời báo Hen-xin-ki đưa tin, ông Át-xan-giơ đang dự định công bố hồ sơ mật của Cơ quan tình báo an ninh Phần Lan (SUPO) về những hoạt động hồi thập niên 90 của thế kỷ trước. Trong khi đó, tại Thái-lan, đất nước đang phải đối mặt tình hình an ninh bất ổn bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ của phe 'áo đỏ', Trung tâm Xử lý tình trạng khẩn cấp (CRES) của Chính phủ Thái-lan cũng đã ra sắc lệnh phong tỏa việc truy cập trang web Wikileaks tạm thời để ngăn chặn những tác động tiêu cực từ những thông tin rò rỉ trên trang web này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()