Nhiều nước tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc-xin
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thiếu nguồn cung vắc-xin và phân phối không đồng đều, nhiều nước tiếp tục tự nghiên cứu hoặc hợp tác với nước khác để phát triển vắc-xin ngừa Covid-19.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, một số nước trong khu vực Mỹ Latin và Caribe như Cuba, Brazil, Mexico, Argentina, Chile và Colombia đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển vắc-xin riêng.
UNESCO cho biết, Argentina, Brazil và Mexico là những nhà sản xuất một phần hoặc toàn bộ một số sinh phẩm ngừa vi-rút SARS-CoV-2, nhưng không đủ cho nhu cầu hiện tại. Argentina và Mexico đã ký thỏa thuận hợp tác với Oxford-AstraZeneca để sản xuất vắc-xin phòng Covid-19, mục tiêu dự kiến là sản xuất 250 triệu liều để cung cấp cho khu vực. Ngoài ra, từ tháng 6/2021, Mexico cũng hợp tác với Nga để sản xuất vắc-xin Sputnik V.
Một hãng dược của Brazil cũng đạt thỏa thuận với Hãng Cansino Biologics của Trung Quốc về việc nhập khẩu vắc-xin mang tên “Convidecia” do tập đoàn này phát triển và bào chế, và có kế hoạch sản xuất vắc-xin Convidecia ở bang Minas Gerais, miền đông Brazil. Trong trường hợp được Cơ quan Giám sát vệ sinh quốc gia Brazil (Anvisa) cấp phép sử dụng, vắc-xin Convidecia sẽ được triển khai tiêm chủng đại trà đồng thời với các loại vắc-xin khác. Vắc-xin Convidecia đang được sử dụng tại một số quốc gia ở Mỹ Latin.
Tuy nhiên, UNESCO khuyến cáo các quốc gia trong khu vực Mỹ Latin và Caribe cần chung sức, tăng cường hợp tác, chia sẻ công nghệ, chuyển giao kiến thức, thực hiện các thỏa thuận cung cấp chung, nhằm nâng cao năng lực và hình thành các liên minh để tối ưu hóa sản xuất trong khu vực bị đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Theo UNESCO, phải đến năm 2022, Mỹ Latin mới có thể hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số.
Trong khi đó, nhiều nước tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng và nới lỏng các biện pháp giãn cách. Kể từ tháng 10, Nhật Bản bắt đầu thí điểm sử dụng chứng nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19 như một loại giấy thông hành để tới nhà hàng và các địa điểm công cộng.
Theo đó, những người tới nhà hàng, sân vận động, sự kiện âm nhạc… phải trình chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin hoặc giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ áp dụng mô hình này cho ngành du lịch trong thời gian tới. Theo giới chức Nhật Bản, việc thí điểm áp dụng chứng nhận tiêm chủng là nhằm nới lỏng giãn cách trên diện rộng và nối lại các hoạt động kinh tế – thương mại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()