Nhiều nước thay đổi chính sách du lịch: Những điều cần lưu ý
Các điểm du lịch nổi tiếng thế giới ở Italy, Thái Lan, Indonesia… đang có điều chỉnh quy định với khách du lịch.
Sau đại dịch, các quốc gia trên thế giới đang chào đón khách du lịch trở lại nhưng một số địa điểm du lịch nổi tiếng đang áp dụng các biện pháp mới như thu phí, có chính sách mạnh với chụp ảnh selfie… nhằm thúc đẩy kinh tế và giảm tình trạng quá tải, Straits Times thông tin.
Manchester (Anh) áp dụng thuế du lịch
Manchester là thành phố đầu tiên của Vương quốc Anh áp dụng thuế du lịch cho du khách. Cụ thể, khách du lịch phải trả thêm một bảng Anh cho mỗi phòng khi qua đêm.
The Guardian gọi đây là phí tham quan thành phố. Số tiền thu được sẽ sử dụng để cải thiện trải nghiệm của du khách và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế du lịch trong tương lai. Các khoản phí cũng sẽ được tài trợ cho các sự kiện, lễ hội, chiến dịch quảng cáo và cải thiện môi trường của thành phố.
Bali (Indonesia): Cấm khách du lịch đi xe máy
Khách du lịch sẽ không được phép sử dụng xe máy ở Bali sau hàng loạt vụ tai nạn dẫn đến thương tích, thậm chí tử vong.
Thống đốc Bali Wayan Koster thông tin vào tháng 3, du khách chỉ nên sử dụng các phương tiện vận chuyển do các dịch vụ du lịch cung cấp đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định “để đảm bảo chất lượng và du lịch nghiêm túc”.
Tuy nhiên, không rõ lệnh cấm sẽ được duy trì như thế nào. Ông Koster đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Bộ Pháp luật và Nhân quyền để Bali thu hồi thị thực của khách du lịch nước ngoài bị phát hiện đi xe máy hoặc có những hành vi sai trái khác, như làm việc bất hợp pháp.
Làng chài Portofino (Italy) phạt tiền khi chụp ảnh quá lâu
Nhiều du khách thích chụp ảnh selfie ở những điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, địa phương này sẽ ra mức phạt 68-275 euro nếu du khách nán lại và chụp ảnh quá lâu.
Việc nán lại kéo dài để chụp ảnh sẽ gây ra một số tình trạng nguy hiểm như chen lấn, xô đẩy và thậm chí gây ra tai nạn. Quy định sẽ được áp dụng đến ngày 15/10.
Thái Lan sẽ thu phí du lịch sau tháng 9
Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Ratchakitprakarn mới đây xác nhận, việc thu phí du lịch sẽ không bị trì hoãn sau tháng 9.
Ngoài ra, Bộ cũng có kế hoạch yêu cầu cảnh sát tỉnh hỗ trợ cảnh sát du lịch trong các hoạt động nhằm xóa bỏ các tour du lịch 0 đồng” và du lịch bất hợp pháp. Những kế hoạch trên nhằm khôi phục ngành du lịch của xứ sở chùa vàng.
Dự kiến, Thái Lan sẽ thu phí du lịch 300 baht, khoảng 205 nghìn đồng đối với khách nước ngoài đến bằng đường hàng không và 150 baht (hơn 100 nghìn VNĐ) với du khách đến bằng đường bộ và đường biển. Khoảng 60 đến 70% nguồn phí thu được sẽ dành để phát triển các điểm đến du lịch mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ công cộng.
Chính phủ Thái Lan từ lâu đã xem xét thực hiện thu phí nhập cảnh đối với du khách nước ngoài, nhưng do dịch COVID-19 nên việc thu phí đã bị trì hoãn. Tuy nhiên, theo các công ty lữ hành, việc áp dụng thu phí nhập cảnh có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút khoảng 30 triệu lượt du khách quốc tế trong năm nay, tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái.
Jeju (Hàn Quốc) dự định thu phí du lịch
Là một trong những địa điểm du lịch và nghĩ dưỡng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn quốc tế, chính quyền Jeju tại Hàn Quốc đang cân nhắc ban hành phí du lịch nhằm tăng cường nỗ lực bảo vệ môi trường và giải quyết tác động của bùng nổ du lịch. Dự kiến, khách du lịch phải trả trung bình 8.170 won mỗi ngày để vào Jeju. Một số khoản phí sẽ bao gồm 1.500 won cho mỗi đêm lưu trú trên đảo. Các khoản phí trên hiện trong quá trình xem xét.
Nhật Bản “nới” chính sách
Kế hoạch chấm dứt các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến dịch COVID-19 của Nhật Bản vào đầu tháng tới đang thúc đẩy hy vọng về đà phục hồi lượng khách du lịch trong nước mạnh mẽ hơn.
Nhật Bản dự kiến sẽ thay đổi chính sách về dịch COVID-19 và bắt đầu coi dịch này giống như bệnh cúm theo mùa từ ngày 8/5. Theo đó, khách du lịch đến Nhật Bản sẽ không còn phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng ít nhất ba lần hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.
Du lịch trong nước đã đóng góp một phần quan trọng đối với kinh tế Nhật Bản trước khi nước này áp đặt chính sách hạn chế do dịch bệnh. Sự hồi sinh của lĩnh vực này có thể sẽ là một sự thúc đẩy đáng hoan nghênh. Chính phủ đã đặt mục tiêu mỗi du khách chi tiêu 200.000 Yen (1.490 USD) trong năm 2025, tăng so với mức khoảng 160.000 Yen trước khi đại dịch bùng phát.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()