Nhiều nước sẵn sàng sơ tán lao động, công dân khỏi Trung Đông
Philippines đang chuẩn bị phương tiện sơ tán lao động ở Trung Đông, điểm đến phổ biến nhất của các lao động xuất khẩu Philippines, với hơn 1 triệu người đến khu vực này mỗi năm.
Trung tướng Felimon Santos Jr., tư lệnh quân đội Philippines, cho biết lực lượng quân đội đã xác định các tuyến sơ tán công dân, không chỉ từ Iraq và Iran mà còn các điểm nóng khác như Israel. “Có khả năng các động thái thù địch có thể xảy ra và chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để ứng phó với mọi tình huống”, Tướng Santos trả lời báo giới ở Manila.
Ông Duterte kêu gọi Quốc hội tổ chức một phiên họp khẩn bàn về tác động của một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở Trung Đông và khoản ngân sách dự phòng để ứng phó với vấn đề này.
Ông cũng bày tỏ lo ngại Philippines có thể phải thực hiện một cuộc sơ tán quy mô lớn nếu bạo lực xảy ra ở các nước như Saudi Arab, nơi có nhiều lao động Philippines làm việc.
Hơn 7.000 lao động Philippines và thân nhân đang ở Iraq và Iran, trong đó có nhiều người làm việc cho các cơ sở của Mỹ và nhiều nước khác, theo Bộ Quốc phòng Philippines.
Philippines là nước xuất khẩu lao động hàng đầu thế giới, với khoảng 10 triệu người lao động chủ yếu làm những công việc như xây dựng, đánh cá, giúp việc và các công việc nặng nhọc khác.
Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 4/1 phát đi tuyên bố cho biết nước này “quan ngại tình hình leo thang” và kêu gọi các công dân Indonesia tại Iraq “luôn luôn cẩn trọng”. Bộ Ngoại giao Indonesia đề nghị 864 công dân nước này ở Iraq liên hệ với Đại sứ quán ở Baghdad nếu cần hỗ trợ.
Không chỉ đe dọa tới an toàn công dân, căng thẳng Mỹ – Iran còn ảnh hưởng tới Jakarta ở nhiều mặt khác. Giá dầu đã tăng vọt, gây áp lực lên đồng rupiah. Đồng nội tệ Indonesia giảm 0,5% so với USD vào ngày 3/1, chạm mức thấp nhất trong hơn một tuần. Theo Reuters, ngày 6/1, đồng rupiah tiếp tục giảm giá, buộc Ngân hàng Trung ương Indonesia phải can thiệp để ổn định thị trường.
Hôm 6/1, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã lệnh cho quân đội nước này theo dõi chặt chẽ và đánh giá khả năng xung đột leo thang giữa Mỹ và Iran, tăng cường an ninh cho các mục tiêu cần bảo vệ của Thái Lan và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán công dân Thái Lan rời khỏi Iran nếu tình hình xấu đi.
Theo Bộ Lao động Thái Lan, hiện có 256 lao động Thái Lan ở Iran và 25 người ở Iraq.
Thủ tướng Thái Lan đã cho phép Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Iran chuẩn bị các phương án để xử lý tình huống sơ tán công dân, theo đó, Đại sứ quán Thái Lan tại Iran có thể thuê máy bay hoặc quân đội sẽ điều máy bay quân sự trong trường hợp khẩn cấp.
Cùng ngày 6/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu với các phóng viên rằng ông “quan ngại sâu sắc” tình hình. Hồi tháng 12/2019, ông Abe đã gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Tokyo, thảo luận về các biện pháp giảm căng thẳng ở Trung Đông.
Nội các của ông cũng chấp thuận triển khai Lực lượng Phòng vệ (SDF) tới khu vực để giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa của Nhật Bản. Bất chấp diễn biến căng thẳng mới, Thủ tướng Abe cho biết ông không có ý định cân nhắc lại về việc triển khai SDF. “Chúng tôi sẽ gửi Lực lượng Phòng vệ và bảo đảm an toàn cho các tàu liên quan đến Nhật Bản”, ông khẳng định.
Tờ Times trích dẫn các nguồn tin quân sự giấu tên ngày 7/1 cho hay, Bộ Quốc phòng Anh đã cử khoảng 20 sĩ quan liên lạc và nhà hoạch định quân sự cấp cao tới đại sứ quán nước này ở Baghdad để giúp sơ tán các công dân Anh khỏi Iraq trước những quan ngại về sự trả thù của Tehran sau vụ Mỹ không kích sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 3/1.
Theo các nguồn thạo tin, nhóm sơ tán sẽ chịu trách nhiệm vạch ra các tuyến đường giúp nhanh chóng rút binh lính cũng như các nhà ngoại giao và công dân khác của Anh ra khỏi Iraq khi cần. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh cũng dự định chính thức cảnh báo tàu thuyền nước này không đi vào eo biển Hormuz nằm giữa Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman, nơi London đã điều hai tàu chiến HMS Montrose và HMS Defender tới bảo vệ các phương tiện vận tải treo cờ Anh. Hiện Anh có gần 1.400 quân nhân và viên chức dân sự ở Iraq để tham gia chiến dịch Shader chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại quốc gia Trung Đông này.
Ý kiến ()