Nhiều nước 'rục rịch' tiêm vaccine COVID-19 cho người dân
Truyền thông Anh cho biết London có thể thông qua vaccine của hãng Pfizer ngay trong tuần này, trong khi Chính phủ Tây Ban Nha thông báo, nước này cùng với Đức sẽ là hai quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai kế hoạch cụ thể về việc tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, bắt đầu từ tháng 1/2021.
Theo hãng tin Reuters, Anh đã yêu cầu Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm y tế (MHRA) đánh giá vaccine của Pfizer từ tuần trước. Người phát ngôn của MHRA cho biết quy trình đánh giá thuốc sẽ hoàn toàn độc lập với chính phủ và không chịu áp lực về thời gian.
Tuy nhiên, MHRA khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng “để bảo đảm dịch vụ y tế sẵn sàng cung cấp vaccine”.
Anh đã đặt tổng cộng 40 triệu liều vaccine COVID-19 và trong cuối năm nay có thể nhận được 10 triệu liều, đủ tiêm phòng cho 5 triệu người.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26/11 cho biết Đức có thể tiến hành đợt tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những đối tượng ưu tiên ngay trước Giáng sinh năm nay, nhưng cảnh báo các biện pháp hạn chế tại Đức sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng.
Phát biểu trước Nghị viện Liên bang Đức, bà Angela Merkel cho biết những đợt vaccine đầu tiên có thể kịp phê chuẩn để đưa vào sử dụng ngay trước lễ Giáng sinh năm nay và khi đó Chính phủ Đức sẽ lập tức tiến hành tiêm vaccine cho các nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện và những cơ sở dưỡng lão, những đối tượng ưu tiên số 1.
Trong số những nước ở châu Âu, Đức và Tây Ban Nha là những nước hoàn thiện sớm nhất kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở quy mô toàn quốc để nhanh chóng chấm dứt đại dịch. Dự kiến, sau khi tiêm cho các nhân viên y tế, Chính phủ Đức sẽ tiêm vaccine cho những người ưu tiên tiếp theo như người già hay người mắc các bệnh kinh niên.
Theo Thủ tướng Angela Merkel, hiện số người này lên tới 27 triệu người và nước Đức không thể đề ra các biện pháp ép buộc để cách ly những người này khỏi xã hội, do đó vaccine là giải pháp tối ưu.
Dù tự tin về năng lực y tế của Đức nhưng Thủ tướng Angela Merkel cũng cảnh báo, những tháng ngày khó khăn với nước này vẫn còn kéo dài đến hết mùa Đông năm nay, trong bối cảnh nước Đức vẫn đang có số ca nhiễm mới mỗi ngày và số ca tử vong rất cao. Đặc biệt, với trung bình khoảng 20.000 ca nhiễm và 400 ca tử vong mỗi ngày, Đức được xem là đang đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai kém hiệu quả hơn so với làn sóng thứ nhất và so với một số nước láng giềng châu Âu, thậm chí là đang có dấu hiệu mất kiểm soát tại một số khu vực.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng cho biết nước này sẽ bắt đầu chương trình tiêm ngừa COVID-19 từ tháng 1/2021 và dự kiến tiêm được cho một phần lớn dân số trong 3 tháng đầu tiên. Theo ông Sanchez, sẽ có 13.000 trung tâm tiêm ngừa vaccine và nước này dự kiến thuê thêm chuyên viên y tế.
Trong khi đó, tại buổi họp qua video với quân đội Mỹ nhân dịp Lễ Tạ ơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ khởi động tiêm chủng cho các bác sĩ, nhân viên y tế và người cao tuổi trong tuần tới.
Hiện chưa rõ những loại vaccine nào sẽ được phân phối. Đến nay, Mỹ có 2 “ứng viên” hiệu quả 94-95%, của 2 hãng dược Moderna và Pfizer. Mỹ cũng đã đặt trước hàng trăm nghìn liều tiêm vaccine của AstraZeneca.
“Các loại vaccine sẽ được cung cấp trong tuần sau và tuần sau nữa. Bác sĩ tuyến đầu, y tá và rất nhiều người sẽ tiêm chủng”, ông Trump nói.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ họp vào ngày 30/11 về việc phê duyệt khẩn cấp vaccine của Pfizer. Ông Trump cho rằng đây là “phép màu của y học”. “Thông thường, phải mất tới 4 hoặc 5 năm để làm điều này và được FDA thông qua. Chúng tôi đã cố gắng đẩy nhanh quá trình đó”, ông Trump nói.
Trước những tiến triển đạt được gần đây trong công tác điều chế vaccine ngừa COVID-19, chính phủ các nước Pháp, Thái Lan, Canada và Mexico dự kiến sẽ thực hiện tiêm chủng đại trà vaccine này từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Ban đầu, các nước này sẽ sử dụng vaccine do các hãng nước ngoài sản xuất như AstraZeneca có trụ sở tại Anh và vaccine của 2 hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) liên danh. Sau đó, sẽ đầu tư để có thể sản xuất vaccine nội địa. Nhóm người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có người lớn tuổi, sẽ được ưu tiên tiêm trước.
Trước những thông tin lạc quan về vaccine ngừa COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: “Với những tin tức tích cực mới nhất từ các cuộc thử nghiệm vaccine, thì đây như ánh sáng cuối đường hầm dài và tăm tối. Hiện có hy vọng rằng cùng với các biện pháp y tế cộng đồng khác, các loại vaccine ngừa COVID-19 được công bố gần đây sẽ giúp chấm dứt đại dịch này”.
Như vậy, dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, nhất là trong giai đoạn mùa Đông và mùa Xuân sắp tới, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19.
Ý kiến ()