Nhiều nước phản đối tiến công quân sự vào Li-bi
* Dinh Tổng thống và nhiều mục tiêu dân sự bị ném bom bắn phá Theo các nguồn tin nước ngoài, bất chấp việc Chính phủ Li-bi tuyên bố lệnh ngừng bắn mới, đêm 20-3, máy bay và tàu chiến của các nước phương Tây tiến hành đợt ném bom và bắn tên lửa lần thứ hai vào hơn 20 mục tiêu trên lãnh thổ Li-bi, trong đó có Dinh Tổng thống ở Thủ đô Tơ-ri-pô-li, sân bay và các mục tiêu dân sự khác, làm 64 dân thường chết trong hai ngày qua.Tham gia đợt tiến công thứ hai có các máy bay quân sự của Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Ca-na-đa, Đan Mạch, bao gồm cả máy bay ném bom tàng hình B2. Trong khi tàu chiến Mỹ và Anh bắn nhiều loạt tên lửa hành trình Tô-ma-hốc vào Li-bi.Ngày 21-3, Chính phủ Li-bi đã mời các nhà báo nước ngoài tới chứng kiến cảnh Dinh Tổng thống bị bắn phá. Phóng viên AP và AFP mô tả, tòa nhà ba tầng của Tổng thống Ca-đa-phi ở Thủ đô Tơ-ri-pô-li bị tên lửa phá sập hoàn toàn. Người phát ngôn của Chính phủ Li-bi Mút-xa I-bra-him...
* Dinh Tổng thống và nhiều mục tiêu dân sự bị ném bom bắn phá
Theo các nguồn tin nước ngoài, bất chấp việc Chính phủ Li-bi tuyên bố lệnh ngừng bắn mới, đêm 20-3, máy bay và tàu chiến của các nước phương Tây tiến hành đợt ném bom và bắn tên lửa lần thứ hai vào hơn 20 mục tiêu trên lãnh thổ Li-bi, trong đó có Dinh Tổng thống ở Thủ đô Tơ-ri-pô-li, sân bay và các mục tiêu dân sự khác, làm 64 dân thường chết trong hai ngày qua.
Tham gia đợt tiến công thứ hai có các máy bay quân sự của Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Ca-na-đa, Đan Mạch, bao gồm cả máy bay ném bom tàng hình B2. Trong khi tàu chiến Mỹ và Anh bắn nhiều loạt tên lửa hành trình Tô-ma-hốc vào Li-bi.
Ngày 21-3, Chính phủ Li-bi đã mời các nhà báo nước ngoài tới chứng kiến cảnh Dinh Tổng thống bị bắn phá. Phóng viên AP và AFP mô tả, tòa nhà ba tầng của Tổng thống Ca-đa-phi ở Thủ đô Tơ-ri-pô-li bị tên lửa phá sập hoàn toàn. Người phát ngôn của Chính phủ Li-bi Mút-xa I-bra-him nhấn mạnh: Các nước phương Tây nói rằng, họ tuyên bố 'bảo vệ dân thường' nhưng lại ném bom vào nơi mà họ biết dân thường đang có mặt.
Cùng ngày, trong một thông điệp được phát trên đài truyền hình, nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi tuyên bố, Chính phủ 'mở kho vũ khí' để trang bị cho người dân sẵn sàng cho một 'cuộc chiến lâu dài' đáp trả các lực lượng phương Tây. Trong khi đó, Pháp và Anh tuyên bố tiếp tục điều thêm tàu chiến và binh sĩ tới Địa Trung Hải, chuẩn bị các chiến dịch quân sự mới chống Li-bi. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Gioóc-đa-ni và Phó Tổng thống Mỹ Bai-đơn nói chuyện điện thoại với lãnh đạo An-giê-ri và Cô-oét, đề nghị ủng hộ phương Tây tiến công Li-bi.
Dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự của liên quân chống Li-bi. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga A. Lu-ca-sê-vích nêu rõ, các cuộc không kích đã vượt quá quyền hạn cho phép trong Nghị quyết 1973 của HĐBA. Nga phản đối và kêu gọi liên quân ngừng ngay cuộc không kích chống Li-bi, đồng thời phải thực hiện nghị quyết một cách nghiêm túc. Chính phủ Cu-ba ra tuyên bố lên án và cáo buộc các thế lực phương Tây đã âm mưu tạo cớ để xâm lược Li-bi. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ugô Cha-vết tố cáo 'các cuộc ném bom điên rồ của đế quốc' đang làm dân thường Li-bi thiệt mạng, đồng thời khẳng định, phương Tây phải chấm dứt ngay các hành động tiến công Li-bi. Tổng thống Bô-li-vi-a Ê.Mô-ra-lết đã cực lực phản đối hành động tiến công quân sự của phương Tây chống Li-bi. Chính phủ Ê-cu-a-đo tuyên bố, hành động quân sự của nước ngoài tại Li-bi là 'không thể chấp nhận được', chỉ làm leo thang bạo lực tại Li-bi. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) Am Mút-xa tố cáo, chiến dịch quân sự tại Li-bi 'đã vượt ra ngoài mục tiêu áp đặt vùng cấm bay' và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào dân thường. AL sẽ có cuộc họp khẩn cấp thảo luận những diễn biến mới nhất ở Li-bi. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra tuyên bố lấy làm tiếc về các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Li-bi và kêu gọi tất cả các bên từ bỏ sử dụng vũ lực và giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hòa bình.
Ngày 20-3, khoảng 200 người Mỹ gốc Li-bi biểu tình tại Oa-sinh-tơn lên án các cuộc ném bom bắn phá Li-bi. 400 người biểu tình tại TP Bác-xê-lô-na (Tây Ban Nha), hàng trăm người tại TP Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) đã xuống đường biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Li-bi và phản đối nước ngoài tiến công can thiệp vào Li-bi. Ông Pao-lô Gi-la-đi, Chủ tịch Đảng Cánh tả chống chủ nghĩa tư bản, nêu rõ: 'Nhân dân các dân tộc trên thế giới có quyền tự quyết vận mệnh của mình. Cuộc tiến công Li-bi của phương Tây là nhằm vào nguồn dầu mỏ của nước này'. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guy-đô Ve-xtơ-ve-lơ, nước thành viên không thường trực HĐBA đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 của cơ quan này, cảnh báo, phương Tây đang đứng trước nguy cơ rơi vào 'một sứ mạng kéo dài' tại Li-bi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()