Nhiều nước hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân
Trong nhiều biện pháp khắc phục, làm giảm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế, không ít quốc gia trên thế giới hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân.
Theo ông Danucha Pichayanan – Tổng thư ký của Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan, chính phủ nước này sẽ phân phát tiền mặt cho khoảng 30 triệu người, chủ yếu là công nhân và nông dân thuộc các ngành phi chính thức – những người gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh và đi lại do tác động của đại dịch COVID-19.
Theo kế hoạch, mỗi người dân sẽ nhận 3.500 baht mỗi tháng trong hai tháng kể từ đầu tháng 2 tới đây.
Mỹ đã 2 lần phát tiền mặt cho người dân. Lần 1, cấp tối đa 1.200 USD cho người lớn, 500 USD cho trẻ em. Lần 2, phát 600 USD cho mỗi người có thu nhập 75.000 USD/năm trở xuống. Trợ cấp giảm dần đối với những người có thu nhập khoảng 75.000-87.000 USD/năm. Người có thu nhập trên 87.000 USD không có trợ cấp.
Ngày 14/1, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã giới thiệu chương trình kích thích kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch. Dự kiến mỗi người dân Mỹ sẽ được nhận thêm 1.400 USD tiền mặt, chính quyền các bang và địa phương có thêm 350 tỷ USD. Đề xuất của ông Biden có tên gọi “Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ” và sử dụng nhiều biện pháp kích thích quen thuộc. Ông Biden hy vọng rằng các chương trình hỗ trợ bổ sung này sẽ giúp các gia đình và doanh nghiệp Mỹ chống chịu được với đại dịch cho tới khi vaccine COVID-19 được triển khai rộng rãi.
Hồi đầu tháng 1/2021, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khởi động chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân trên toàn quốc. Mục đích của việc cung cấp hỗ trợ là để giúp vượt qua ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chính phủ Indonesia tiếp tục thông qua các Chương trình hy vọng gia đình, Chương trình lương thực cơ bản và Chương trình hỗ trợ xã hội tiền mặt để tiếp tục phân phối trợ cấp xã hội cho người dân bằng ngân sách nhà nước trong năm 2021, với một khoản ngân sách trị giá 110.000 tỷ rupiah đã được chuẩn bị để hỗ trợ cho tất cả người dân ở 34 tỉnh, thành phố.
Còn theo bà Tri Rismaharini, Bộ trưởng Bộ Xã hội Indonesia, Chương trình hy vọng gia đình được nhắm mục tiêu cho 10 triệu gia đình thụ hưởng với tổng ngân sách là 28.700 tỷ rupiah, bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em mầm non, trẻ em đi học, người khuyết tật và người già.
Hỗ trợ này được cung cấp theo 4 giai đoạn trong một năm, vào các tháng Một, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười thông qua chuyển khoản tại các ngân hàng. Còn Chương trình lương thực sẽ hỗ trợ cả thực phẩm và tiền mặt cho 18,8 triệu gia đình với tổng ngân sách là 45.120 tỷ rupiah. Người thụ hưởng sẽ nhận được 200.000 rupiah và sẽ được phân phối từ tháng 1-12/2021 thông qua tài khoản tại các ngân hàng.
Trong khi đó, Malaysia hỗ trợ các cá nhân và gia đình trong khoảng 500-1.600 ringgit (123-394 USD). Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin khẳng định, ngân sách năm tài khóa 2021 của nước này sẽ cung cấp các khoản kinh phí nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Chính phủ nước này đã chi 2 tỷ ringgit (480 triệu USD) cho Bộ Y tế, trong đó riêng bang Sabah, nơi tình hình dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng, được cấp 400 triệu ringgit (gần 100 triệu USD) kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại để cung cấp thức ăn và vật tư y tế.
Vào tháng 4/2020 khi đại dịch bùng phát, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo cấp 300.000 yen (2.800 USD) tiền mặt cho các hộ gia đình giảm thu nhập. Khoảng 10 triệu hộ gia đình có đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Đối với Chương trình hỗ trợ xã hội tiền mặt sẽ áp dụng cho khoảng 10 triệu gia đình, với ngân sách 3.000 tỷ rupiah, trong đó mỗi gia đình sẽ nhận được 300.000 rupiah tiền mặt được trao trong bốn tháng liên tục, từ tháng 1-4/2021.
Ý kiến ()