Nhiều nước châu Á đón Tết trong không khí trầm lắng do dịch bệnh
Nhiều nước châu Á hủy bắn pháo hoa và các lễ hội đón mừng Tết Nguyên đán, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế đi lại hoặc ăn mừng Năm mới do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn rất phức tạp.
Do nhiều nước châu Á hủy bắn pháo hoa và các lễ hội đón mừng Tết Nguyên đán nên không khí trong đêm Giao thừa tại châu Á có phần trầm lắng.
Nhiều nước kêu gọi người dân hạn chế đi lại hoặc ăn mừng Năm mới do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn rất phức tạp.
Tại Trung Quốc, chính quyền nước này lại đang mạnh tay ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19 trước thềm Olympic mùa Đông Bắc Kinh dự kiến khai mạc ngày 4/2 tới.
Để khuyến khích người dân hạn chế đi lại, chính quyền nhiều nơi áp dụng từ các biện pháp khen thưởng như tặng phiếu mua hàng hay thậm chí tiền mặt, cho đến cảnh báo rằng họ sẽ bị cách ly 14 ngày khi trở về.
Một số nơi như thành phố Tây An đã siết chặt chống dịch bằng xét nghiệm đại trà, phong tỏa và cách ly.
Lượng khách di chuyển trên hệ thống giao thông trước dịp Tết nguyên đán năm nay đạt hơn 1,18 tỷ lượt khách, cao gần gấp đôi năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với 3 tỷ lượt khách năm 2019 trước đại dịch COVID-19.
Tại Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, chính quyền đã hủy các lễ hội mừng Tết Nguyên đán trong khi đóng cửa trường học, phong tỏa nhiều nơi để xét nghiệm.
Dù dịp Tết nhưng các chính sách vẫn nghiêm ngặt như cấm phụ vụ ăn uống tại chỗ từ 18h và đóng cửa các cơ sở giải trí như bar, rạp phim…
Tương tự tại Hàn Quốc, chính quyền đã cấm tụ tập trên 6 người và đặt giới nghiêm đóng các nhà hàng, quán càphê từ 21h.
Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân nên cân nhắc và hạn chế về quê, đi du lịch trong dịp Tết, bởi giới chức y tế nước này dự báo rằng dòng người di chuyển giữa các địa phương trong kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 31/1 đến 2/2 sẽ khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc tăng cao kỷ lục.
Tại Đông Nam Á, chính quyền thủ đô Manila của Philippines đã cấm múa lân, bắn pháo hoa và tụ tập ở khu vực Binondo – nơi có hơn 1,3 triệu người gốc Hoa sinh sống. Tại Malaysia, một số ngôi đền cũng hạn chế số người ra vào trong dịp lễ.
Tại Singapore, các con phố, các trung tâm cộng đồng tại các khu dân cư ở Singapore đã được trang hoàng rực rỡ, cùng với nhiều hoạt động văn hóa đã và sẽ được tổ chức để đón mừng Năm mới.
Tuy nhiên, nhà chức trách khuyến cáo người dân tránh ra ngoài nếu họ cảm thấy không khỏe, ngay cả khi xét nghiệm cho thấy âm tính với SARS-CoV-2.
Giới chuyên gia lo ngại rằng số ca nhiễm ở một số nước châu Á có thể tăng vọt sau dịp Tết Nguyên đán do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron và người dân đổ về quê, đi du lịch hoặc tụ tập đông người./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()