Nhiều nơi ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa ngập sâu do mưa lũ
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ tối ngày 9 đến sáng 10-10, trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) có mưa rất to, kéo dài khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập trong biển nước, giao thông hỗn loạn; tại Hà Tĩnh, mưa lớn cũng khiến nhiều địa phương bị chia cắt vì nước lũ và sạt lở đất; tại Thanh Hóa, mưa lũ làm vỡ đê và gây ngập đường giao thông.
Mưa lớn cuốn trôi hai người ở Nghệ An
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều phường, xã ở TP Vinh (Nghệ An) ngập sâu trong nước, nhiều tuyến đường lớn như: Quang Trung, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, 3-2, Nguyễn Công Trứ bị ngập sâu từ 0,3-0,5m, khiến giao thông hỗn loạn khi xe ô tô và xe máy bị chết máy hàng loạt. Hầu hết các khu dân cư, chung cư trên địa bàn đều ngập trong nước, riêng tại phường Bến Thủy, có nhiều nơi ngập sâu hơn 2m.
Hàng loạt xe bị chết máy khi đi trên đường Quang Trung.
Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân tự vệ cùng cán bộ đưa thuyền giúp nhiều hộ dân bị ngập sâu di dời người và tài sản. Lực lượng cảnh sát cơ động và công an giao thông đã có mặt tại các điểm ngập sâu để chỉ dẫn, phân luồng giao thông cũng như hỗ trợ người đi xe máy vượt qua.
Cảnh sát trật tự TP Vinh di chuyển xe cho người dân.
Do trời mưa quá to, nước ngập sâu nên Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Phòng Giáo dục TP Vinh thông báo cho tất cả các phụ huynh cho học sinh nghỉ học. Đây là lần thứ hai trong năm học này, học sinh TP Vinh phải nghỉ học.
Đường Quang Trung ngập sâu trong nước.
Tính đến 9 giờ sáng 10-10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hai nạn nhân bị nước cuốn trôi. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân.
Trước đó, khoảng 6 giờ sáng 10-10, cháu Lang Đức Duy (SN 2013), trú bản Pật, xã Châu Tiến (Quỳ Hợp) đang trên đường đi học thì nước lũ cuốn trôi.
Ngay khi nhận được tin báo, chính quyền xã Châu Tiến tổ chức tìm kiếm cháu Duy. Hiện cầu tràn vào xã Châu Tiến nước ngập sâu, gây chia cắt nên việc tìm kiếm khó khăn. UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo các xã tổ chức cắt cử người canh trực tại các điểm cầu tràn, ngăn không cho người qua lại.
Tại xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai), vào khoảng 6 giờ 30 phút sáng ngày 10-10, chị Lê Thị Ngoan (SN 1995), trú xóm 9 đang trên đường chở cháu gái học lớp 3 đi học, khi đến cầu Ông Vang thì bị nước cuốn trôi. May mắn cháu bé đã được người dân cứu, còn chị Ngoan và chiếc xe máy bị dòng nước cuốn đi.
Sau khi nhận được thông tin, chính quyền thị xã Hoàng Mai đã chỉ đạo xã Quỳnh Vinh và các lực lượng công an, quân đội tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn. Do nước từ trên thượng nguồn chảy về mạnh, đoạn qua khe Rài nước chảy xiết nên công tác tìm kiếm nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh bị chia cắt vì nước lũ và sạt lở đất
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều 9 đến sáng 10-10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to và rất to kèm theo gió giật mạnh. Mưa lớn nhiều giờ liên tục đã gây ngập các tuyến đường tại TP Hà Tĩnh, một số địa bàn ở các huyện miền núi bị cô lập do ngập lụt và sạt lở đất.
Mưa lớn liên tục khiến mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các hồ chứa, cánh đồng trên địa bàn hai huyện miền núi Hương Sơn và Vũ Quang dâng nhanh.
Tại các xã: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Liên (huyện Vũ Quang), nhiều khu dân cư, các tuyến đường giao thông bị cô lập do nước ngập.
Ngập lụt cũng diễn ra ở các xã: Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bằng (huyện Hương Sơn). Mưa dài ngày nên xảy ra tình trạng sạt lở đất diện hẹp trên địa bàn xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn). Dự kiến 12 giờ trưa 10-10, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn sẽ mở các van đập hồ tràn với lưu lượng xả từ 30 – 40 m3/s.
Đập Cố Châu (thuộc địa bàn xã Gia Hanh, huyện Can Lộc) với dung tích gần 3.000m3 đã bị vỡ gây ngập úng nặng cho nhiều thôn trên địa bàn.
Nhiều tuyến đường tại TP Hà Tĩnh vẫn đang ngập sâu trong nước, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân, như: đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Nguyễn Du, đường Nguyễn Huy Tự.
Tại các huyện miền núi Hương Khê, từ chiều 9-10, Nhà máy Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả lũ, lúc cao điểm lên gần 1.271m3/s. Hiện nay, một số xã ở Hương Khê bị chia cắt và chia cắt cục bộ, như: Phương Điền, Phương Mỹ, Lộc Yên, Hương Giang, Hương Thủy…
Tại các địa phương khác như: huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, huyện Can Lộc… xảy ra tình trạng úng ngập ở một số địa bàn. Đặc biệt, tại huyện Can Lộc, đập Cố Châu (thuộc địa bàn xã Gia Hanh, huyện Can Lộc) với dung tích gần 3.000m3 đã bị vỡ gây ngập úng nặng nhiều thôn trên địa bàn.
Nhiều tuyến đường nội thị TP Hà Tĩnh bị ngập úng nhiều giờ liền.
Mưa lũ làm vỡ đê, ngập đường giao thông ở Thanh Hóa
Sáng 10-10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to diện rộng. Nhiều đoạn đường nội thị, các điểm dân cư nơi trũng thấp bị ngập. Mưa lớn kéo dài khiến đê hữu sông Hoàng đoạn chảy qua thôn 2, làng Tế Độ, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa bị vỡ
Chủ tịch UBND xã Tế Nông, Phạm Trọng Hưởng cho biết: Khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, người dân địa phương phát hiện tại đoạn cống dưới đê hữu sông Hoàng qua địa bàn thôn 2, làng Tế Độ bị vỡ, dài khoảng 5m.
Theo đó, nước lũ từ sông Hoàng chảy vào đồng, vào làng, khiến hơn 100 nhà dân bị ngập. UBND xã Tế Nông đã huy động phương tiện, vật tư, hơn 300 người trong xã cùng hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nông Cống nỗ lực khắc phục điểm đê vỡ. Các lực lượng đóng hàng trăm cọc tre, sử dụng đá, bao tải đựng cát, đất, bồi lấp điểm đê bị vỡ. Đến trưa cùng ngày, đã cơ bản hàn khẩu điểm đê vỡ.
Tại TP Thanh Hóa có mưa lớn, nhiều tuyến phố nước ngập từ 30 – 40cm, các phương tiện di chuyển khó khăn, số ít phương tiện gắn động cơ bị chết máy giữa đường; một số trường học cho học sinh nghỉ học. Mưa to kéo dài xảy ra trên địa bàn huyện miền núi Lang Chánh khiến mực nước sông, suối lên nhanh, sáu tràn giao thông; hàng trăm ha lúa mùa bị ngập.
Kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ, lãnh đạo huyện Lang Chánh yêu cầu các xã bố trí người chốt gác các tràn bị ngập, không cho người, phương tiện đi qua khi nước còn ngập sâu, chảy xiết; di dời các hộ có nguy cơ ngập, sạt lở đến nơi an toàn, hỗ trợ bà con thu hoạch mùa vụ; vận hành, tích nước hợp lý ở hồ Chu Mon, Lý Ải.
Đường giao thông ở TP Thanh Hóa bị ngập.
Nước trên sông Mã lên nhanh, Công ty CP thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa thông báo xả lũ hồ chứa thủy điện Bá Thước 2 từ 16 giờ ngày 10-10 đến 10 giờ ngày 15-10. Lưu lượng xả lũ từ 500m3/s đến 800m3/s, tùy theo lưu lượng nước đến hồ; bảo đảm duy trì mực nước trong hồ dưới mực nước chết là 41m.
Công ty đề nghị UBND các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa và các xã vùng hạ lưu của các huyện thông báo khẩn cho nhân dân và các thôn nằm dọc bờ sông Mã có kế hoạch chủ động bảo vệ người, tài sản, cây cối, hoa màu, vật nuôi, thủy sản, nhà cửa, vật kiến trúc. Người dân không đi lại, hoạt động ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao, nước chảy xiết, những vị trí đã được cắm biển cảnh báo lũ. Các xã vùng hạ lưu cần có kế hoạch chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn nếu thấy cần thiết.
Sân trường THCS Nguyễn Du bị ngập nước.
Quảng Trị: Một học sinh mất tích do lũ cuốn
Ngày 10-10, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và hàng trăm người dân địa phương đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân Lê Văn S, học sinh lớp 10, trường THPT Lê Lợi, TP Đông Hà (Quảng Trị) bị nước lũ cuốn trôi vào khoảng 17 giờ 30 phút, ngày 9-10.
Vào thời điểm trên, hai em học sinh điều khiển xe máy đi qua khu vực cống nước gần trường THCS Phan Đình Phùng, thuộc khu phố 4, phường Đông Lễ, TP Đông Hà thì gặp mưa to, nước ở khu vực cống dâng cao, chảy xiết, nhấn chìm đoạn đường. Chưa kịp xử lý tình huống, một em học sinh cùng chiếc xe máy đã bị dòng nước lớn cuốn vào miệng cống. Người bạn ngồi phía sau may mắn thoát nạn.
Các lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Nhận được tin báo, lực lượng quân đội, công an và chính quyền địa phương đã tổ chức tìm kiếm trong đêm nhưng không có kết quả. Đến sáng nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị tiếp tục huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ triển khai tìm kiếm từ các cống dẫn nước đến cánh đồng. Chiếc xe máy của nạn nhân đã được tìm thấy cách nơi xảy ra vụ tai nạn vài trăm mét. Hiện các lực lượng đang tiếp tục tìm kiếm tại nhiều vị trí, đồng thời huy động ca-nô và thông báo đến những ngư dân dọc bờ biển tìm kiếm.
Qua vụ việc trên, thêm một lần nữa cảnh báo đối với các em học sinh không nên mạo hiểm đi qua các khu vực có nước ngập sâu. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Quảng Trị cũng cần xem xét lại những vướng mắc về hạ tầng giao thông nơi đây để tránh xảy ra những vụ tai nạn không đáng có.
Theo Nhandan
Ý kiến ()