Tuy Tháng Công nhân chỉ diễn ra trong 31 ngày của tháng 5 nhưng những giá trị và thành quả từ các hoạt động dành cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhất là những công nhân lao động trực tiếp sẽ còn tiếp tục lan tỏa trong thời gian tới. LĐLĐ Hà Nội tổ chức khám bệnh cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn. Đây là năm thứ ba, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam triển khai Tháng Công nhân trong các cấp công đoàn và CNVCLĐ. Mục tiêu hàng đầu của Tháng Công nhân năm nay là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do vậy, ngay từ những ngày đầu, nhiều liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã tổ chức các chương trình giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng, giám đốc doanh nghiệp với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và công nhân, lao động, nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Qua đó, tạo kênh thông tin quan trọng trong việc trao đổi về tình hình...
Tuy Tháng Công nhân chỉ diễn ra trong 31 ngày của tháng 5 nhưng những giá trị và thành quả từ các hoạt động dành cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhất là những công nhân lao động trực tiếp sẽ còn tiếp tục lan tỏa trong thời gian tới.
LĐLĐ Hà Nội tổ chức khám bệnh cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.
Đây là năm thứ ba, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam triển khai Tháng Công nhân trong các cấp công đoàn và CNVCLĐ. Mục tiêu hàng đầu của Tháng Công nhân năm nay là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do vậy, ngay từ những ngày đầu, nhiều liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã tổ chức các chương trình giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng, giám đốc doanh nghiệp với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và công nhân, lao động, nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Qua đó, tạo kênh thông tin quan trọng trong việc trao đổi về tình hình thực hiện chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; hoạt động công đoàn. Các cấp công đoàn địa phương – nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã vận động chủ nhà trọ không tăng tiền thuê nhà cho công nhân đến hết năm 2011, thu tiền nước, tiền điện theo đúng giá của Nhà nước. Bên cạnh đó, vận động chủ doanh nghiệp cải thiện bữa ăn giữa ca, tăng lương và các khoản trợ cấp cho công nhân; chủ động thương lượng với doanh nghiệp để ký thỏa ước lao động tập thể có lợi cho người lao động; mở các gian hàng bình ổn giá dành cho công nhân ở các khu công nghiệp và phối hợp các doanh nghiệp bán lẻ mang hàng đến tận tay người lao động…
LĐLĐ TP Hồ Chí Minh vận động được hơn một nghìn doanh nghiệp tăng lương cho công nhân từ 100 đến 250 nghìn đồng/tháng; hỗ trợ trượt giá từ 100 đến 500 nghìn đồng, hỗ trợ tiền nhà từ 100 đến 300 nghìn đồng; vận động 65 nghìn hộ trên tổng số hơn 67 nghìn hộ có phòng trọ cho thuê tự nguyện đăng ký không tăng giá đến cuối năm 2011. Kết quả này giúp hơn 1,2 triệu người ở trọ với giá trị làm lợi cho người ở trọ trong cả năm là hơn 518 tỷ đồng; vận động 1.832 trường mầm non, nhóm trẻ gia đình không tăng giá giữ trẻ, trong đó có hơn 262 nghìn trẻ là con công nhân nghèo, hơn một nghìn cơ sở cam kết không tăng tiền ăn nhưng vẫn bảo đảm khẩu phần và dinh dưỡng cho trẻ. LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tiếp xúc và làm việc với 24 doanh nghiệp về việc điều chỉnh lương cho người lao động theo Nghị định 107, 108/NĐ-CP/2010 của Chính phủ; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức bán hàng thấp hơn giá thị trường từ 10 đến 15% cho người lao động. Công đoàn Công thương Việt Nam vận động các doanh nghiệp mở các gian hàng bình ổn giá ở một số khu công nghiệp, thu hút hàng nghìn công nhân, lao động tham gia…
Các cấp công đoàn TP Hà Nội khánh thành 'Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân', tổ chức đêm giao lưu văn nghệ 'Hát cho công nhân nghe – nghe công nhân hát' và thi đấu giao hữu bóng chuyền trong CNVCLĐ; Công đoàn Hải Phòng tổ chức Tuần lễ ngày hội văn hóa thể thao công nhân, lao động, tôn vinh 50 lao động sáng tạo và 51 lao động giỏi tiêu biểu năm 2010. Công đoàn Quảng Ninh tặng bằng khen cho 10 tổ lao động xuất sắc, tuyên dương 177 công nhân tiêu biểu và tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động cho 1.500 người. Công đoàn Đồng Tháp tổ chức hội thi 'Kiến thức pháp luật và gia đình' trong CNVCLĐ; Công đoàn Thái Nguyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức thi đấu cầu lông – bóng bàn trong CNVCLĐ với sự tham gia 544 vận động viên…
Tổ chức thăm, tặng quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động và công nhân, lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng là một hoạt động trọng tâm của các cấp công đoàn trong Tháng Công nhân. Trong tháng 5, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình gặp mặt 294 CNVCLĐ bị bệnh ung thư và tặng mỗi người hai triệu đồng, đồng thời tổ chức chương trình nghệ thuật 'Vòng tay yêu thương' ủng hộ Quỹ hỗ trợ CNVCLĐ bị bệnh hiểm nghèo. LĐLĐ tỉnh Bình Dương trao 50 suất quà và năm chiếc ti-vi cho công nhân ở các khu nhà trọ; Thái Nguyên khởi công xây dựng trường mầm non cho con em công nhân, lao động ở các xã nghèo; Hà Nội hỗ trợ xây dựng năm điểm vui chơi cho các cháu là con công nhân, lao động. An Giang sửa chữa và xây mới 13 căn nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 345 triệu đồng; Công đoàn Đường sắt trợ cấp cho 410 công nhân, lao động với tổng số tiền 197 triệu đồng…
Có thể nói, những hoạt động thiết thực, cụ thể của các cấp công đoàn trong Tháng Công nhân đã kịp thời động viên, khuyến khích công nhân, lao động nâng cao năng suất lao động. Với sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan, đơn vị, công đoàn các cấp, ba năm qua Tháng Công nhân đã thật sự đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động tiêu biểu hằng năm của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()