Nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhà ở đã được thực hiện hiệu quả
Theo Tổng cục Thống kê, thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhà ở đã được thực hiện hiệu quả. Trong 10 năm qua, điều kiện nhà ở và sinh hoạt của hộ dân cư đã được cải thiện, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đã có nhà để ở và đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng; đặc biệt, điều kiện sinh hoạt của hộ dân cư đã được cải thiện đáng kể.
Đa số các hộ dân cư sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc quyền sở hữu riêng của hộ. Tình trạng thuê/mượn nhà đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở khu vực thành thị và các địa phương đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp.
Tỷ lệ hộ hiện sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc quyền sở hữu riêng của hộ là khoảng 88,1%, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 15,7 điểm phần trăm (tương ứng 93,6% và 77,9%).
Hiện có 11,7% hộ dân cư đang ở trong các ngôi nhà/ căn hộ đi thuê/ mượn, tăng 4,6 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2009 là 7,1%). Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thuê/mượn ở khu vực thành thị cao gấp gần 3,5 lần so với khu vực nông thôn. Điều này một phần là do kết quả của quá trình di cư và đô thị hóa. Đặc biệt, tại các địa phương đông dân cư và tập trung nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn cao hơn các địa phương khác như Bình Dương (56,5%), thành phố Hồ Chí Minh (32,8%), Bắc Ninh (27,0%), Hà Nội (15,8%).
Phần lớn các hộ dân cư có nhà ở đều đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đã tăng trong 10 năm qua, tuy nhiên vẫn cần rất nhiều nhiều nỗ lực để có thể đạt được Mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là diện tích nhà ở tối thiểu 8m 2sàn/người.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tại thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019, đa số các hộ dân cư đều có nhà ở. Chỉ còn 1.244 hộ không có nhà để ở (chiếm 0,47 phần mười nghìn tổng số hộ), tương đương với 4.108 người. Đa số hộ không có nhà ở là những hộ sống ở ghe, thuyền,… không đủ điều kiện về cấu tạo của ngôi nhà/căn hộ để ở (3 bộ phận: tường, mái, sàn). Ngoài ra, có 310 người lang thang cơ nhỡ tại 10 tỉnh đã được thu thập thông tin trong cuộc Tổng điều tra này, đây là những người không có nhà ở. Như vậy, có tổng số 4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc.
Tỷ lệ hộ dân cư không có nhà ở tại khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn. Trung bình cứ 100.000 hộ dân cư ở khu vực thành thị, có khoảng 4 hộ không có nhà ở; ở khu vực nông thôn trung bình cứ 100.000 hộ, có khoảng 5 hộ không có nhà ở. Sau 10 năm, tình trạng hộ không có nhà ở đã giảm 10 lần, từ mức 4,7 phần mười nghìn năm 2009 xuống còn 0,47 phần mười nghìn, phản ánh sự cải thiện đáng kể trong chất lượng cuộc sống của người dân.
Phân loại chất lượng nhà ở của hộ dân cư dựa trên thông tin về vật liệu chính của ba bộ phận cấu thành nhà ở, bao gồm cột (trụ, hoặc tường chịu lực), mái và tường/bao che. Dựa trên cách phân loại này, nhà ở của hộ dân cư được chia thành hai loại: Nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Nhà kiên cố hoặc bán kiên cố là nhà có từ hai kết cấu chính trở lên được làm bằng vật liệu bền chắc; nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ là nhà chỉ có một trong ba kết cấu chính hoặc không có kết cấu chính nào được làm bằng vật liệu bền chắc.
Tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm tới 93,1% tổng số hộ có nhà ở, tăng gần 1,5 lần trong vòng 20 năm qua (năm 1999 là 63,2%, năm 2009 là 84,9%). Trong đó tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn, tương ứng là 98,2% và 90,3%.
Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ chỉ chiếm một phần nhỏ (6,9%), giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn gần 8 điểm phần trăm so với khu vực thành thị (lần lượt là 9,7% và 1,8%). Có 5,2% tổng số hộ đang sống trong các căn nhà đơn sơ, tương đương với hơn 5 triệu người, chủ yếu tập trung tại khu vực nông thôn (chiếm 70,5% số hộ).
Sống trong những ngôi nhà riêng lẻ là hình thức chủ yếu của các hộ dân cư. Tỷ lệ hộ sống trong nhà riêng lẻ là 97,8% và trong các nhà chung cư là 2,2%. Loại hình nhà chung cư đang dần trở thành lựa chọn của các hộ dân cư khu vực thành thị (đặc biệt là các hộ gia đình trẻ, quy mô nhỏ,…). Tuy vậy, tỷ lệ hộ thành thị sống trong các căn hộ chung cư hiện còn khá khiêm tốn, chiếm 5,8% tổng số hộ ở khu vực thành thị. Ở khu vực nông thôn, các hộ sống trong nhà riêng lẻ, thấp tầng, thoáng mát vẫn là lựa chọn của đa số người dân (chiếm 99,7% trong tổng số 17,2 triệu hộ có nhà ở tại khu vực nông thôn). Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ hộ sống trong nhà chung cư cao nhất (chiếm 4,6% tại mỗi vùng).
Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,2m 2/người, tăng 6,5m 2/người so với năm 2009. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của loại nhà chung cư thấp hơn nhà riêng lẻ (tương ứng là 20,1m 2/người và 23,3m 2/người).
Đối với nhà riêng lẻ, diện tích nhà ở bình quân đầu người cao nhất là ở Đồng bằng sông Hồng, thấp nhất là ở Tây Nguyên (tương ứng là 25,6m 2/người và 20,7m 2/người).
Khoảng hơn một phần ba số hộ (chiếm 34,4%) sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người cao (từ 30m 2/người trở lên). Tuy nhiên, vẫn còn gần 7% hộ (tương ứng với khoảng 7,7 triệu người) đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 8m 2/người. Trong đó, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người dưới 8m 2ở Đông Nam Bộ là cao nhất (16,3%), ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là thấp nhất (3,8%).
Điều này cho thấy mục tiêu đến năm 2020 của Chiến lược phát triển nhà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 “phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m 2sàn/người” rất khó hoàn thành nếu không có các chính sách hiệu quả để phát triển nhà ở trong thời gian tới. Các chính sách cần tập trung phát triển nhà ở tại Đông Nam Bộ là vùng tập trung đông dân cư, với nhiều người nhập cư tham gia lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đa số các hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ được xây dựng và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay (76,8%, tương đương 20,6 triệu hộ). Trong đó, 37,1% hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ mới được xây dựng trong vòng 10 năm trước thời điểm Tổng điều tra (tương ứng khoảng 10 triệu hộ), thấp hơn 1,2 triệu hộ so với năm 2009.
Hiện nay, trên cả nước vẫn còn gần 195 nghìn hộ (tương ứng 0,7% số hộ có nhà ở) đang sống trong các ngôi nhà đơn sơ được xây dựng và đưa vào sử dụng lần đầu trong vòng từ 21 đến 44 năm và trên 19 nghìn hộ (tương ứng 0,07% số hộ có nhà ở) đang sống trong các ngôi nhà đơn sơ được xây dựng và đưa vào sử dụng lần đầu từ 45 năm trở lên. Điều này cho thấy, mặc dù tình trạng nhà ở của hộ dân cư đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn những hộ phải sống trong các ngôi nhà có chất lượng kém với tuổi thọ quá dài so với mức độ an toàn theo quy định.
Nghiên cứu về kế hoạch cải thiện nhà ở trong tương lai, có 1,6% số hộ dân cư có kế hoạch mua nhà/căn hộ trong thời gian tới. Trong đó, các hộ dân cư ở khu vực thành thị có kế hoạch mua nhà/căn hộ cao hơn các hộ ở khu vực nông thôn (tương ứng 2,8% và 1,0%). Tỷ lệ hộ có kế hoạch mua nhà/căn hộ tại năm thành phố trực thuộc Trung ương là 44,4% tổng số hộ dân cư có kế hoạch mua nhà/căn hộ. Tuy nhiên, kế hoạch mua nhà/căn hộ của các hộ dân cư chủ yếu là trong phạm vi các thành phố mà hộ đang sống.
Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có tỷ lệ hộ dân cư có kế hoạch mua nhà/căn hộ cao nhất (tương ứng 2,7% và 1,9%) trong khi tỷ lệ này thấp nhất là ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long (1% số hộ tại mỗi vùng). Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh là các địa phương có tỷ lệ hộ có kế hoạch mua nhà/căn hộ cao nhất (3,5% số hộ tại mỗi địa phương)./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()