Nhiều người đổ xô vào rừng khai thác trái xay
Do xay sai trái, hái trái mang về bán có thu nhập khá cao nên nhiều người đổ xô vào các khu rừng già La Hiên, Suối Mun, Chín Cụm, Trại Tôn thuộc xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) để cưa hạ cây xay hái trái.
Ông Nguyễn Văn Đông, một người hái xay cho biết:“Tốp của tôi 4 người, dỡ gạo, mang theo cá mặn lên ăn ngủ tại rừng sâu Suối Mun, Trại Tôn, hái được 17 bao xay, trung bình mỗi bao khoảng 30 kg. Xay chín thương lái mua với giá 35.000 đồng/kg, xay vàng mơ (ruột màu xanh) với giá 30.000 đồng/kg. Tính ra, sau bốn ngày đi rừng mỗi người chia nhau được hơn 4 triệu đồng.” Nhà anh Trần Văn Thế, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hoà) đang chứa 10 bao tải trái xay, trong sân đang phơi khoảng 80 kg trái xay. Số xay đang phơi trước sân được hái ở rừng La Hiên. Anh Thế cho biết: “Chuyến đi trước tôi cùng mấy người trong xóm, sáng sớm vươt đèo dốc đứng vào vùng rừng Suối Mây (khu vực giáp ranh giữa xã Sơn Định với xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) hái xay. Đến nơi thấy hàng chục xe gắn máy của những người hái xay để dọc theo bờ suối. Ở rừng Suối Mây hai ngày nhưng khu vực đó không còn bao nhiêu nên chúng tôi phải lên tận La Hiên”.
Cũng giống như cây ươi, năm nay nắng hạn cây xay ra trái rất sai. Tuy nhiên, trái ươi khi gặp mưa thì trái non cũng nở ra, sau đó rụng xuống, còn trái xay vẫn “đeo” trên cành đến khi chín khô. Do đó, muốn hái xay phải leo lên các cành cây, nhưng cây xay thường cao khoảng 10 đến 15 mét nên nhiều người không muốn leo mà đốn hạ. Tuy nhiên, thân cây xay rất cứng nên không dùng rựa mà phải dùng cưa máy. Một gốc cây xay đường kính khoảng 40 cm có thể cưa trong vòng 10 phút. Do đó, rừng xay rất hỗn độn và không lường trước hiểm nguy.
Cách đây khoảng 2 tháng, cũng tại các khu rừng phòng hộ ở huyện Đồng Xuân những cây ươi đốn hạ không thương tiếc, nay hết mùa ươi thì nhiều người lại đổ xô vào rừng tiếp tục cưa hạ cây xay. Lực lượng kiểm lâm huyện Đồng Xuân đã tuần tra nhưng không thể bao quát hết vì khu rừng phòng hộ rộng đến 22.000 hecta nên rất khó xử lý.
Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân ông Nguyễn Lộc thừa nhận: “Những người hái xay thường lên các khu rừng rất xa, hẻo lánh, đêm ngủ tại rừng. Khi chúng tôi vào rừng nghe tiếng máy cưa, băng rừng đến nơi thì họ bỏ chạy nên rất khó xử lý”.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()