Nhiều "mảng tối" trong giáo dục đại học
Quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo; Quy trình, thủ tục và điều kiện thành lập trường chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; Chất lượng đào tạo, giáo viên, giáo trình đều “có vấn đề”… Nhiều “mảng tối” của giáo dục đại học đã được các đại biểu QH nêu ra trong ngày thảo luận hôm 7/6.
Hôm qua, Quốc hội đã dành một ngày thảo luận về báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
Theo Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tính đến ngày 30/9/2009, cả nước có 440 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 180 trường đại học, 232 trường cao đẳng và 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng – an ninh, từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường đại học, cao đẳng được thành lập.
Trong thời gian vừa qua tuy việc thành lập các trường ĐH được thực hiện theo quy trình nhưng quy trình thành lập này lại gây khó khăn cho việc xem xét, thẩm định, xử lý hồ sơ xin thành lập trường, đặc biệt là đối với các cơ sở ngoài công lập.
Quy mô đào tạo vượt xa năng lực
Từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Nhìn chung, ở các trường ngoài công lập, số giảng viên cơ hữu thấp hơn số giảng viên thỉnh giảng. Ở không ít trường, số giảng viên thỉnh giảng gấp 2 lần số giảng viên cơ hữu.
Do chú trọng phát triển quy mô đào tạo nên các cơ sở giáo dục đại học nước ta chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng đầu vào của sinh viên. Việc quản lý tuyển sinh các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết, liên thông còn bị buông lỏng.
Đào tạo chưa gắn với thị trường lao động và các đơn vị sử dụng lao động, nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo. Tỷ lệ giảng viên có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ của các trường mới thành lập, nâng cấp còn rất thấp so với mặt bằng chung.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) phân tích thêm 3 vấn đề hạn chế đối với giáo dục đại học. Đó là, nội dung chương trình đạo tạo còn nặng về lý thuyết; chưa cung cấp kỹ năng thực hành cho sinh viên, giáo án còn lạc hậu; Chất lượng giảng viên, chưa đáp ứng nhu cầu; số lượng giảng viên tăng thêm có trình độ thạc sỹ, giáo sư giảm, chiếm 13,8% năm 2009. Chất lượng giáo trình chưa cao vì thiếu cập nhật kiến thức mới. Đại biểu Huỳnh Nghĩa, đề nghị, trong thời gian tới cần tập trung đẩy nhanh tiến độ cho bộ máy quản lý tại các trường đào tạo, các chương trình sát với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Còn đại biểu Đặng Thị Nga (đoàn Lâm Đồng) nêu kiến nghị, Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề riêng, đánh giá những mặt được, chưa được, những yếu kém của giáo dục Đại học. Chính phủ cần chỉ đạo bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khi mở trường và nâng cấp trường, chỉ khi nào có đủ điều kiện mới cho thành lập trường đại học.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến, đoàn Hà Tĩnh, báo cáo giám sát chưa phân tích rõ vì sao đào tạo ĐH ra nhưng sinh viên không kiếm được việc làm; sự phân công công việc cho sinh viên khi ra trường thấp; chất lượng đầu ra của giáo dục ĐH kém. Theo đại biểu, nguyên nhân của vấn đề này phù hợp với quy luật phát triển thị trường khi mà nhu cầu tăng, số lượng sinh viên tăng, các trường phải tăng giáo viên. Nhưng đại biểu Tiến cho rằng nhìn lại báo cáo, khi số sinh viên tăng 13 lần thì giảng viên chỉ tăng 3 lần như vậy giảng viên thiếu trầm trọng. Vậy nguyên nhân chính của chất lượng đào tạo kém có phải do các thầy cô giáo chạy sô, thậm chí kể các giáo sư về hưu.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa), báo cáo này dù đã nêu đầy đủ mảng sáng mảng tối của giáo dục đại học, nhưng lại “có phần né tránh nguyên nhân và không hề đề cập tới trách nhiệm thuộc về ai”. Trong khi đó, việc cho phép thành lập mới các trường đại học có phần dễ dãi đã ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.
“Trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giáo dục, trong đó có vai trò của Bộ trưởng nói riêng vì Bộ được giao quản lý về lĩnh vực này”, ông Cuông nhìn nhận.
Đại biểu Lê Văn Cuông cũng đề nghị Quốc hội thảo luận làm rõ trách nhiệm vì sao chất lượng giáo dục đại học những năm qua còn nhiều yếu kém, việc thành lập trường đại học có nơi còn dễ dãi với nhiều dự án không có tính khả thi cao.
Còn đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi: “Chúng ta có quyền nghi ngờ vì sao các trường không đủ điều kiện vẫn được cấp phép”.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Phước cho rằng, việc xử lý thiếu kiên quyết đối với các trường mắc sai phạm đã thể hiện sự yếu kém và có phải bệnh thành tích đang tồn tại ngay chính trong ngành giáo dục.
Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị đối với những trường chất lượng thấp, cần mạnh dạn cắt giảm số lượng đào tạo không chính quy.
Ý kiến phải giải thể những trường đại học không đáp ứng yêu cầu cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định không thể tiếp tục cho ra đời các trường đại học không đảm bảo chất lượng. Ông Nhân cũng cho biết phải mất gần 1 năm lãnh đạo Bộ đi cơ sở thảo luận để đến năm 2009 mới xác định nội dung khắc phục sự bất cập trong cấp phép đó như thế nào.
Ý kiến ()