Nhiều lựa chọn cho thí sinh
Ðổi mới và “khuyến mại”
PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD và ÐT) cho biết, trong kỳ thi, tuyển sinh năm 2014 có một số điểm mới đáng lưu ý, nhất là việc các trường ÐH, CÐ có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các điều kiện quy định tại quy chế tuyển sinh hệ chính quy được tự chủ tuyển sinh. Mặt khác, Bộ GD và ÐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ chung và các trường tuyển sinh riêng có thể kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh. Ðáng chú ý, kỳ thi, tuyển sinh năm 2014 sẽ có một hội đồng tư vấn giúp Bộ GD và ÐT xác định các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.
Do có những đổi mới mang tính căn bản, cho nên kỳ thi, tuyển sinh năm nay, nhiều trường ÐH, CÐ đã đưa ra các giải pháp đổi mới cho phù hợp năng lực và nhu cầu ngành nghề đào tạo của mình. Trong đó, Trường ÐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng phương thức thi ba chung, xét tuyển theo nhóm ngành nhưng bổ sung vòng sơ tuyển dựa trên kết quả học tập THPT. Thí sinh đạt vòng sơ tuyển nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo quy định chung của Bộ GD và ÐT. Tại ÐH Quốc gia Hà Nội, theo Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, trường chọn việc đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực bằng cách kết hợp giữa thi và tuyển chọn. Các hợp phần bài thi đánh giá năng lực gồm: Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt…
Không lựa chọn cách làm mới như những trường ÐH có bề dày đào tạo, Trường ÐH Hòa Bình (Hà Nội) lại lựa chọn phương pháp tuyển sinh mới bằng việc thực hiện đồng thời hai phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả thi ÐH, CÐ hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ GD và ÐT; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm khá trở lên và tổng điểm trung bình các môn học theo khối thi của năm học kỳ THPT.
Cùng với những đổi mới, ngay trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh, nhiều trường ÐH, CÐ đưa ra những ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút thí sinh có năng lực dự thi, tuyển sinh vào trường mình. Trong đó, ÐH Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình đào tạo tài năng, dành cho những sinh viên đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản để đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Ngoài các chế độ dành cho sinh viên chính quy đại trà, những người học chương trình đào tạo tài năng được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm; được cấp học bổng khuyến khích phát triển một triệu đồng/tháng; được bố trí phòng ở miễn phí trong ký túc xá. Ngoài ra, Chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế của ÐH Quốc gia Hà Nội, sẽ hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 17 triệu đồng/năm, trong đó có kinh phí học tiếng Anh cho sinh viên…
Trường ÐH Duy Tân (Ðà Nẵng) thì cho biết, dành một số suất học bổng trị giá bằng 50% học phí của toàn bộ bốn năm học cho mọi thí sinh đăng ký vào ngành Văn – Báo chí và Quan hệ công chúng. Trường ÐH Quốc tế Hồng Bàng có chế độ học bổng, miễn giảm học phí từ 10% đến 100% ngay trong ngày đầu nhập học cho sinh viên nghèo, học giỏi, con em gia đình thương binh, liệt sĩ. Ðối với Trường ÐH Công nghiệp Hà Nội, năm học 2014-2015, miễn toàn bộ kinh phí đào tạo của khóa học cho những sinh viên là thủ khoa khối A và khối D1, miễn toàn bộ kinh phí đào tạo năm thứ nhất cho sinh viên có điểm thi tuyển sinh đạt 25,5 trở lên…
Lựa chọn ngành nghề theo năng lực
Mặc dù các trường ÐH, CÐ sớm công bố những đổi mới và đưa ra nhiều cơ chế ưu tiên, khuyến khích học sinh học tốt thi vào trường mình, nhưng khá nhiều học sinh lớp 12 vẫn tỏ ra thận trọng trong việc lựa chọn ngành nghề đăng ký dự thi, tuyển sinh. Ðỗ Văn Luật, học sinh Trường THPT Chương Mỹ B (Chương Mỹ – Hà Nội) cho biết, vẫn đang lúng túng, chưa xác định được trường để đăng ký tuyển sinh. Mặc dù vậy, theo Luật, việc một số trường tuyển sinh riêng, có xét kết quả học tập THPT cũng có thể là một cơ hội tốt giúp em lựa chọn ngành nghề theo học. Học sinh Nguyễn Thị Thu Hương, lớp 12 B3 Trường THPT Lê Quý Ðôn (Hà Ðông – Hà Nội) cho biết, mong muốn thi ngành Luật kinh tế nhưng đang băn khoăn không biết ra trường, việc làm sẽ như thế nào để đưa ra lựa chọn cuối cùng…
Có thể nói, đăng ký tuyển sinh ÐH, CÐ mang tính bước ngoặt trong việc tiếp tục học tập hoặc tham gia cuộc sống lao động, sản xuất khiến cho nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn khá băn khoăn, lúng túng trong việc lựa chọn ngành, trường dự thi, tuyển sinh. Nhiều học sinh đã có định hướng rõ ràng nhưng cũng có những học sinh chưa biết nên dự thi như thế nào và cũng có học sinh thì theo cảm hứng, “phong trào”… Theo TS Vũ Viết Bình, Phó Trưởng Ban đào tạo ÐH Quốc gia Hà Nội, điều quan trọng đối với thí sinh hiện nay là cần tập trung chuẩn bị tốt kiến thức để tự tin vượt qua kỳ thi tuyển sinh.
Trong khi đó, PGS, TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD và ÐT) cho rằng: Thí sinh đăng ký dự thi không nên phụ thuộc vào ngành “hot” hay không. Vì ngành có thể “hot” vào thời điểm hiện tại, nhưng bốn, năm năm sau khi các em ra trường lại không “hot” nữa. PGS, TS Trần Văn Nghĩa phân tích, ở thời điểm này, một số ngành đang được Nhà nước ưu tiên như ngành Hạt nhân hoặc các ngành kỹ thuật, công nghệ có nhu cầu nhân lực khá lớn… Tuy nhiên, nhìn dài hạn thì khó xác định được nhu cầu có lớn nữa hay không trong năm, bảy năm tới. Tương tự như vậy, thời điểm hiện tại, khối ngành kinh tế đã giảm “hot” so với cách đây bốn, năm năm. Nhưng đó là khi kinh tế hiện nay đang ở thời kỳ khó khăn. Nếu kinh tế phát triển mạnh trở lại thì có thể nhu cầu nhân lực khối ngành này lại tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, chọn ngành nghề, điều đầu tiên là phải phù hợp với mong muốn và năng lực của chính thí sinh. Về nguyên tắc, mỗi ngành đều có những thế mạnh riêng.
– Thí sinh đăng ký dự thi, tuyển sinh ở trường phổ thông đang theo học hoặc địa điểm khác do Sở GD và ĐT quy định từ ngày 17-3 đến hết 17-4; đăng ký dự thi trực tiếp ở các trường ĐH, CĐ từ ngày 18 đến 25-4. Cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 sẽ được phát hành trước ngày 17-3 để các thí sinh tham khảo trước khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
– Thí sinh đăng ký vào trường có đề án thi riêng vẫn nộp hồ sơ theo tuyến các sở GD và ĐT. Đối với các trường có đề án tuyển sinh riêng, ngoài hai phiếu hồ sơ như bình thường, thí sinh còn phải nộp phiếu hồ sơ theo yêu cầu của nhà trường. Tuyển sinh riêng có nhiều cách khác nhau cho nên thí sinh cần lưu ý yêu cầu cụ thể của từng trường.
– Các trường ĐH hoàn thành xét tuyển trước ngày 31-10; các trường CĐ xét tuyển xong trước ngày 15-11.
Ý kiến ()